Davos 2023: Triển vọng kinh tế thế giới khá hơn mức từng lo ngại, song vẫn có rủi ro

Một phiên thảo luận tại diễn đàn Davos, Thụy Sĩ.

Thời gian tới trong năm nay có vẻ tốt hơn so với mối lo ngại từng có về nền kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn còn những rủi ro bao gồm xung đột ở Ukraine có thể leo thang và khả năng nổ ra một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương, đó là kết luận của phiên thảo luận cuối cùng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói với cử tọa ở Davos rằng điều đã được cải thiện là Trung Quốc có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng và IMF hiện dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là 4,4% trong năm 2023.

Mặc dù điều đó có thể khiến IMF trong những ngày tới sẽ điều chỉnh tăng mức dự báo về tăng trưởng toàn cầu của năm nay - con số dự báo hiện tại là 2,7% - song bà giám đốc IMF cảnh báo rằng không nên mong đợi là con số này "tăng đáng kể".

Một rủi ro gắn liền với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, có tiềm năng hâm nóng nhu cầu toàn cầu và giá năng lượng, là điều đó đã tạo ra một con sóng mới gây áp lực về lạm phát chỉ vài tháng sau khi đợt lạm phát hiện nay đã đạt đỉnh.

Hội nghị Davos kéo dài một tuần bị chi phối bởi những tranh luận và bất đồng đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và châu Âu về trợ cấp cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, tình trạng nợ nần ngày càng tăng ở các quốc gia đang phát triển và đầy rẫy những rủi ro địa chính trị trên khắp hành tinh.

"Mối quan tâm sâu sắc nhất của tôi rõ ràng là cuộc chiến ở Ukraine", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói tại phiên thảo luận, cảnh báo rằng có thể xảy ra leo thang, đồng thời lập luận rằng cuộc chiến đã thúc đẩy Liên hiệp châu Âu trở thành một lực lượng chính trị rõ ràng hơn trong quyết tâm duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine.

Các giám đốc điều hành trong thị trường chứng khoán, tài chính của Mỹ tham gia hội nghị Davos nói rằng thái độ bi quan đã giảm bớt khi các nền kinh tế ở Hoa Kỳ và châu Âu vẫn vững mạnh và Trung Quốc nới lỏng các chính sách COVID-19.

Mô tả năm 2022 là một năm "thật kỳ lạ khi ta nhìn vào nó", Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde kêu gọi các chính phủ đảm bảo rằng chính sách tài khóa không khiến cho công việc của các ngân hàng trung ương trở nên khó khăn hơn bằng cách làm nóng nền kinh tế.

Bà nói: "'Điều tôi tâm niệm về chính sách tiền tệ là hãy cứ duy trì các biện pháp hiện nay", đồng thời bà tái khẳng định rằng ECB có kế hoạch tiếp tục thắt chặt trong thời gian đủ lâu nếu cần thiết.

(Reuters)