Lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong năm 2022 lên đến gần 19 tỷ đô la, các báo trong nước đưa tin mới đây, đồng thời trích dẫn Ngân hàng Thế giới và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư nói rằng Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021.
Tạp chí Lao động và Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận rằng trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hằng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Úc, Canada.
Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạp chí này viết.
Hồi tháng 8/2022, một số báo trong đó có VnEconomy và An Ninh Thủ Đô nêu ra ước tính rằng kiều hối từ xuất khẩu lao động gửi về Việt Nam chỉ là khoảng 3 tỷ đô la mỗi năm.
Các báo dẫn lời các chuyên gia kinh tế trong nước đánh giá rằng kiều hối là “nguồn lực quý giá” có vai trò “quan trọng” và góp phần “phát triển kinh tế-xã hội” cũng như giúp cho ngân hàng trung ương “điều hành chính sách tiền tệ có hiệu quả”.
Tiền kiều hối của năm 2022 cao hơn 1 tỷ đô la so với năm 2021, đồng thời cũng cao hơn 24% so với tổng giá trị xuất khẩu gạo và thủy sản của Việt Nam trong năm 2022, theo tính toán của VOA.
Tin tức từ Việt Nam cho hay trong năm vừa qua, đất nước này “lập kỷ lục xuất sắc” về xuất khẩu thủy sản với kim ngạch là 11 tỷ đô la, cao nhất từ trước đến nay. Nhờ đó, Việt Nam lọt vào nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy.
Trong cùng năm, dù đối mặt với nhiều biến cố của thị trường lương thực thế giới, song xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 7,2 triệu tấn với giá trị 3,49 tỷ đô la, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu gạo và thủy sản của Việt Nam là chưa đến 14,5 tỷ đô la, bằng 76% của tổng lượng kiều hối mà đất nước nhận được trong cùng kỳ.