Nhà lãnh đạo độc tài của Campuchia đã ra lệnh đóng cửa một trong số ít các cơ quan truyền thông địa phương độc lập còn lại của nước này vào Chủ nhật (12/2) sau khi có vấn đề với một bản tin về con trai ông.
Là một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới, Thủ tướng Hun Sen ngày càng đàn áp mạnh mẽ bất kỳ phe đối lập nào khi ông chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Hãng tin trực tuyến Tiếng nói Dân chủ (VOD) xuất bản và phát sóng bằng tiếng Khmer và tiếng Anh và thường chỉ trích ông Hun Sen và chính phủ của ông.
Thủ tướng Campuchia cho biết vào cuối Chủ nhật rằng VOD sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động và phải ngừng tất cả các chương trình phát sóng trước 10 giờ sáng thứ Hai.
Động thái này diễn ra sau một bài báo của VOD vào ngày 9/2 rằng con trai cả của ông Hun Sen, Trung tướng Hun Manet, đã thông qua viện trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã bị trận động đất tàn phá vào đầu tháng này.
Ông Hun Manet đã phủ nhận việc này.
Thủ tướng Hun Sen, người ủng hộ ông Hun Manet lên kế nhiệm ông trong tương lai, nói ông đã ký vào gói viện trợ 100.000 USD của Bộ Ngoại giao.
“Nhân danh chính phủ, vốn phải bảo vệ cho phẩm giá của mình, tôi quyết định kết thúc vụ việc bằng cách ra lệnh cho bộ thông tin hủy bỏ giấy phép của VOD kể từ bây giờ và nó sẽ ngừng phát sóng trước 10 giờ sáng”, ông Hun Sen viết trên trang Facebook cá nhân của mình. “Chúng tôi chỉ đóng tất cả các chương trình phát sóng từ đài này, nhưng chúng tôi không đụng vào tài sản của họ”.
Ông nói với các chính phủ nước ngoài đã tài trợ cho hãng tin hãy chuyển tiền sang các quốc gia khác hoặc đưa trở lại ngân sách của họ.
Ông nói thêm rằng các nhà báo VOD sẽ “tìm công việc mới ở những nơi khác”.
Trong bài đăng trên Facebook, ông Hun Sen cũng đính kèm một lá thư từ VOD, trong đó cho biết “rất tiếc vì những nhầm lẫn” liên quan đến bài báo.
Nhưng ông Hun Sen cho biết ông “không thể chấp nhận cụm từ ‘đáng tiếc’ và yêu cầu tha thứ thay vì một lời xin lỗi”.
Hôm thứ Bảy, ông Hun Sen ban đầu cho VOD 72 giờ để xin lỗi, với việc các giám đốc điều hành cấp cao gặp gỡ các quan chức chính phủ vào Chủ nhật trong nỗ lực đưa ra một thỏa thuận.
Bài báo bằng tiếng Khmer vẫn còn đăng trực tuyến.
Chak Sopheap, giám đốc điều hành của Trung tâm Nhân quyền Campuchia, tweet hãng tin này “đóng vai trò quan trọng” trong việc thúc đẩy “tiếp cận thông tin” ở Campuchia.
Hãng tin bắt đầu phát sóng vào năm 2003 trước khi phân nhánh trực tuyến và có gần 2 triệu người theo dõi trên trang Facebook bằng tiếng Khmer.
VOD không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của AFP.