Một nguồn tin của Reuters hôm 14/2 cho biết Việt Nam gần đây nhiều lần bị đề cập đến trong các cuộc họp thương mại của Hoa Kỳ như là trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất vi phạm các hạn chế thương mại của Hoa Kỳ.
Theo hãng thông tấn Anh, các nhà xuất khẩu Việt Nam đang tìm cách đảm bảo rằng họ tuân thủ lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương của Trung Quốc trước chuyến thăm của các quan chức thương mại Hoa Kỳ trong tuần này.
Một nguồn tin thân cận của Reuters cho biết Việt Nam có thể đang nhập khẩu, đôi khi là vô tình, nguyên liệu thô từ Tân Cương, hoặc ở trong thế khó chứng minh rằng họ không làm như vậy.
Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ của Hoa Kỳ, có hiệu lực vào tháng 6 năm ngoái, đã ngăn chặn hơn 1.500 chuyến hàng trị giá khoảng 500 triệu đô la từ khắp nơi trên thế giới đến Hoa Kỳ, theo dữ liệu từ cục hải quan Hoa Kỳ.
Nguyên nhân Mỹ đưa ra đạo luật trên là vì Washington cáo buộc Trung Quốc phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương, đưa họ vào các trại cả tạo mà Bắc Kinh nói là trung tâm “huấn nghiệp”.
Trung Quốc phủ nhận các hành vi lạm dụng ở Tân Cương và khẳng định họ lập ra các trung tâm huấn nghiệp là để kiềm chế chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo trong khu vực.
Tờ Nikkei Asia hồi cuối tháng trước cho biết các quan chức Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc tham vấn cho các nhà máy ở Việt Nam để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ tuân thủ đạo luật này.
Vào tháng 8, các giới chức hải quan Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam hãy truy xuất nguồn gốc đầu vào của họ từ “các nguồn sạch”. Nếu không, sản phẩm của họ có thể bị tịch thu khi tới Mỹ.
Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ hai sang Hoa Kỳ về mặt hàng may mặc và cũng là nước mua hơn một nửa nguyên liệu từ Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu số một sang Hoa Kỳ.
Một trong số những lô hàng nhập khẩu từ Tân Cương đã bị Mỹ ngăn chặn trước khi luật lao động cưỡng bức có hiệu lực là các lô hàng áo sơ mi từ nhà bán lẻ thời trang nổi tiếng Uniqlo, mặc dù công ty này phủ nhận việc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình.
Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ thu giữ hàng hóa bị nghi ngờ, ngay cả khi chúng đã được chuyển qua nước thứ ba. Những mặt hàng đang bị Mỹ nhắm tới là hàng dệt may, cà chua và vật liệu silicon đa tinh thể - vốn được sử dụng trong pin mặt trời.
Hồi tháng 12, Hoa Kỳ cho biết các tấm pin mặt trời của Trung Quốc đã được xuất khẩu qua Việt Nam, Thái Lan và Campuchia để trốn tránh các lệnh trừng phạt trong cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời được cho là có thể đặc biệt gặp rủi ro, vì nó phụ thuộc rất nhiều vào vật liệu silicon đa tinh thế, vốn được sản xuất tập trung ở Tân Cương.
Việt Nam chiếm khoảng 80% nguồn cung cấp các tấm pin mặt trời cho Hoa Kỳ, đạt mức 3,4 tỷ USD vào năm 2020.
Hầu hết các nhà sản xuất tấm pin mặt trời hàng đầu tại Việt Nam đều là các công ty Trung Quốc, Reuters dẫn thông tin từ công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira cho biết.
Hãng thông tấn Anh cho biết một chuyên gia thương mại đã tham dự các cuộc họp nội bộ với các quan chức hải quan Hoa Kỳ trong những tuần gần đây cho biết Việt Nam gần đây đã nhiều lần bị nhắc đến là một trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất vi phạm các hạn chế thương mại của Hoa Kỳ. Chuyên gia này từ chối tiết lộ danh tính do tính nhạy cảm của sự việc.
Cho tới nay, chính phủ Việt Nam chưa trả lời yêu cầu bình luận của báo chí hay lên tiếng về vấn đề này.
Năm ngoái, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại 116 tỷ đô la với Hoa Kỳ, đứng đầu trong đó là các lô hàng điện tử, quần áo và giày dép.