Trong bài phát biểu đánh dấu ngày lễ “Bảo vệ Tổ quốc” hôm thứ Năm (23/2), một ngày trước ngày kỷ niệm một năm cuộc xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng chú ý việc tăng cường lực lượng hạt nhân.
Phát biểu của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi ông đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương với Hoa Kỳ.
“Cũng như trước, chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến việc củng cố bộ ba hạt nhân”, ông Putin nói khi đề cập đến tên lửa hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không.
Ông Putin cho biết lần đầu tiên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat - loại vũ khí có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân - sẽ được triển khai trong năm nay.
“Chúng ta sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt hệ thống Kinzhal siêu thanh phóng từ trên không và sẽ bắt đầu cung cấp hàng loạt tên lửa siêu thanh Zircon phóng từ biển”, tổng thống Nga nói trong bài phát biểu ở Điện Kremlin vào đầu ngày thứ Năm.
Nga sẽ bắt đầu tập trận quân sự với Trung Quốc ở Nam Phi vào thứ Sáu và đã gửi một tàu khu trục được trang bị tên lửa siêu thanh.
Vào đêm trước ngày kỷ niệm cuộc xâm lược Ukraine, 24/2, ông Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đấu khẩu với nhau, làm nổi bật căng thẳng toàn cầu giữa các siêu cường.
Ông Putin đã đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (hiệp ước START mới) với Hoa Kỳ hôm thứ Ba, cáo buộc Mỹ biến cuộc chiến thành một cuộc xung đột toàn cầu bằng cách vũ trang cho Ukraine.
Trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev hôm thứ Hai, ông Biden nói Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đang bảo vệ nền dân chủ và tự do ở Ukraine.
Tại Warsaw hôm thứ Tư, ông Biden cảnh báo việc đình chỉ START là một “sai lầm lớn” và nói thêm rằng “Tôi không nghĩ ông ấy đang nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay bất cứ thứ gì tương tự”.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Nga cho biết Moscow sẽ tuân thủ các giới hạn đã thỏa thuận đối với tên lửa hạt nhân và tiếp tục thông báo cho Hoa Kỳ về những thay đổi trong việc triển khai.
Sau khi gặp các nhà lãnh đạo sườn phía đông của NATO tại Warsaw, ông Biden hứa rằng Hoa Kỳ “sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO”, liên minh quân sự bao gồm một số quốc gia Đông Âu giáp với Nga.
Điện Kremlin nói họ coi NATO, tổ chức có thể sớm mở rộng khi kết nạp cả Thụy Điển và Phần Lan, là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.
Chiến tranh Ukraine, cuộc xung đột trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, đã khiến hàng triệu người thất tán, và khiến các thành phố, thị trấn và làng mạc của Ukraine trở thành đống đổ nát, làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Tư tố cáo cuộc xâm lược của Nga là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời lên án các mối đe dọa khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga.
Trong hai bài phát biểu vào tháng 9 năm ngoái, ông Putin tỏ dấu rằng ông sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ nước Nga nếu cần.
“Chúng tôi đã nghe thấy những lời đe dọa ngầm sử dụng vũ khí hạt nhân. Cái gọi là sử dụng vũ khí hạt nhân theo chiến thuật là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đã đến lúc phải lùi ra khỏi bờ vực thẳm”, ông Guterres nói.