Giới hữu trách Việt Nam vừa chính thức lên tiếng nói rằng những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix sẽ bị ngăn chặn và xử phạt nếu không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam.
“Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông để chặn truy cập”, VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, nói tại một hội nghị ở TPHCM vào ngày 27/1.
Theo giới chức này, Việt Nam hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet (OTT) xuyên biên giới, trong đó có hai dịch vụ từ Mỹ (bao gồm Netflix) và ba dịch vụ từ Trung Quốc.
Theo chính sách mới trong Nghị định 71 mà Việt Nam bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1, các đơn vị truyền hình trả phí tại Việt Nam phải có pháp nhân đại diện trong nước và phải chịu sự quản lý của cơ quan chức năng Việt Nam.
Ông Nguyễn Hà Yên nói rằng việc siết chặt quản lý của Việt Nam là nhằm “đảm bảo công bằng” cho doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, theo ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPAYTV), nếu các dịch vụ truyền hình qua internet không được quản lý sẽ dẫn tới nguy cơ vi phạm về thuần phong mỹ tục, lối sống và chính trị, pháp luật. Quan chức này đưa ra dẫn chứng rằng nhiều bộ phim không được chiếu qua OTT trong nước do vi phạm kiểm duyệt nhưng vẫn được Netflix phát sóng.
Năm ngoái, Netflix đã nhận được yêu cầu của chính quyền Việt Nam đòi phải chặn quyền truy cập trong nước đối với những nội dung bị đánh giá là “xúc phạm nhân dân Việt Nam” như bộ phim Hollywood “Uncharted” (“Thợ săn cổ vật”) đề cập đến yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông và bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Little Women” (“Ba chị em”) có các cảnh về Chiến tranh Việt Nam đã bị cấm chiếu vì “xuyên tạc lịch sử”.
Với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện được xem là một trong những thị trường trọng điểm trong khu vực đối với các tập đoàn khổng lồ về công nghệ.
Theo thống kê của Bộ Thông tin Truyền thông, doanh thu từ dịch vụ truyền hình OTT tại Việt Nam đạt 1,55 nghìn tỷ đồng (65,68 triệu USD) vào năm 2022, tăng 27,2% so với năm 2017. Số lượng thuê bao truyền hình OTT đạt 5,5 triệu thuê bao, tăng 26,2% so với năm 2017.
Hãng tin Reuters tuần trước cho biết Netflix đang chuẩn bị mở văn phòng tại Việt Nam sau “nhiều năm đàm phán” với chính quyền và hoàn tất việc “đánh giá rủi ro” tại thị trường này.
Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua yêu cầu các đại gia công nghệ, bao gồm cả Netflix, đang hoạt động tại Việt Nam nhưng không có văn phòng địa phương phải nộp thuế.
Tháng trước, Việt Nam đã thu được 1,8 nghìn tỷ đồng (khoảng 78 triệu USD) tiền thuế từ Google, Meta, Netflix và TikTok cho năm 2022.
Bên cạnh sức ép buộc các tập đoàn công nghệ nước ngoài phải nộp thuế tại Việt Nam, các công ty truyền thông xã hội hoạt động tại Việt Nam đã phải đối mặt với áp lực đặc biệt về nội dung, bao gồm các quy định đang chờ xử lý về việc đăng nội dung liên quan đến tin tức trên các tài khoản truyền thông xã hội.
Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn duy trì việc kiểm duyệt chặt chẽ truyền thông và không dung chấp bất đồng chính kiến, với những quy định nghiêm ngặt đối với những nội dung trực tuyến và chính phủ đang ngày càng giám sát chặt chẽ những công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này, theo nhận định của Reuters.
Việt Nam hiện có 22 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong và ngoài nước, bao gồm Netflix, iFlix của Malaysia và WeTV của Trung Quốc.