Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời đẩy nhanh các quá trình tham vấn về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, Reuters dẫn lại thông tin từ đài phát thanh nhà nước dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói hôm thứ Hai (26/6).
Phát biểu của Thủ tướng Lý Cường được đưa ra trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Bắc Kinh vào đầu ngày thứ Hai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 25-28/6. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Phạm Minh Chính tới quốc gia láng giềng kể từ khi ông nhậm chức thủ tướng Việt Nam.
Chuyến đi của ông Chính được báo chí Việt Nam đồng loạt nói là “tiếp nối chuyến thăm thành công mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc” vào cuối tháng 10/2022.
Đề cập đến nội dung về Biển Đông trong cuộc hội đàm vào sáng 26/6 giữa ông Phạm Minh Chính và người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam nói “hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Trang tin cho biết thêm rằng ông Phạm Minh Chính cũng đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, phát huy hiệu quả các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Nội dung làm việc này cũng đã được Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, một trong những quan chức tháp tùng chuyến đi của ông Phạm Minh Chính, đề cập với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương trước đó khi hai bên gặp nhau tại trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 25/6.
Ông Bùi Thanh Sơn được cho biết đã trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiểm soát tốt bất đồng và xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, báo Pháp Luật tường thuật.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra vào thời điểm Hà Nội và Bắc Kinh đang có những căng thẳng liên quan do tàu nghiên cứu và các tàu hộ tống của Trung Quốc kéo đến hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông gần đây khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng phản đối và yêu cầu các tàu này rời đi.
Tuy nhiên, theo tường thuật của Reuters, các tàu Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu của Việt Nam, rồi sau đó rời đi vào ngày 5/6, khi Trung Quốc và Mỹ kết thúc đối thoại cấp cao tại Bắc Kinh.
Ngoài nội dung đáng chú ý về Biển Đông, chuyến thăm Trung Quốc của ông Phạm Minh Chính được cho biết là nhằm “làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”.
Ông Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, giao thông vận tải, môi trường, y tế, khoa học công nghệ... Đặc biệt, Thủ tướng Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam, phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan để tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, xử lý các vướng mắc trong một số dự án hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”...
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Tin cho hay Thủ tướng Lý Cường cũng đã mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 14 tại Thiên Tân trong tuần này.
Truyền thông Trung Quốc nói hai bên dự kiến sẽ trao đổi ý kiến sâu rộng về tăng cường hợp tác trong khuôn khổ “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, tăng cường kết nối, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng.