Tài sản của người đàn ông giàu nhất Việt Nam có thể tăng vọt lên tới 11 tỷ USD, đưa ông lên thứ hạng cao trong số những người giàu nhất thế giới, ít nhất là trong một thời gian ngắn, khi công ty sản xuất ô tô điện của ông, VinFast, chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ thông qua SPAC, theo Bloomberg và một số trang tin quốc tế khác.
VinFast đã đi đến thỏa thuận về sáp nhập với công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) Black Spade, được thành lập bởi ông trùm sòng bạc Lawrence Ho. Thỏa thuận này định giá VinFast ở mức 23 tỷ USD.
Vào thứ Năm 10/8, các cổ đông của Black Spade sẽ bỏ phiếu về việc có hoàn tất thương vụ hay không. Nếu thương vụ diễn ra, đây sẽ là giao dịch mua lại công ty có mục đích đặc biệt lớn thứ ba trong lịch sử và trên giấy tờ, tài sản của ông Vượng có thể tăng từ khoảng 5 tỷ USD lên tới 16 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index chuyên theo dõi 500 người giàu nhất thế giới.
Hồ sơ pháp lý cho thấy ông Vượng sẽ kiểm soát 99% cổ phần sau khi sáp nhập, một phần thông qua cổ phần do vợ ông là bà Phạm Thu Hương và Vingroup nắm giữ. Tỷ phú sòng bạc Ho và nhánh đầu tư của ông, cùng với một nhóm người khác có liên kết với “công ty séc khống”, sẽ nắm giữ số cổ phần còn lại.
Theo nhận định của Bloomberg, mặc dù việc niêm yết có thể nhanh chóng đưa ông Vượng vào hàng ngũ những người giàu nhất thế giới với khối tài sản ước tính khoảng 16 tỷ USD, nhưng vẫn có những thách thức tiềm ẩn phía trước. Sự bùng nổ của SPAC trong thời kỳ đại dịch đã xì hơi sau đó và dữ liệu gần đây cho thấy giá trị vốn chủ sở hữu của các công ty niêm yết thông qua SPAC có thể bị giảm ngay sau khi giao dịch bắt đầu.
Hơn nữa, theo Bloomberg, các công ty xe điện (EV) đã hợp nhất với SPAC có kết quả rất khác nhau. Một số trải qua một đợt tăng giá cổ phiếu khi niêm yết trước khi sụp đổ và dẫn đến tổn thất đáng kể cho các nhà đầu tư, trong đó có tập đoàn ô tô Lordstown đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 6.
Bản thân VinFast thời gian qua đã phải đối mặt với các vấn đề về vận hành, cản trở khả năng giành thị phần của họ trong thị trường xe điện đầy cạnh tranh.
Hồi tháng 5, công ty đã phải thu hồi tất cả xe SUV điện được vận chuyển đến Mỹ do trục trặc phần mềm. Công ty này cũng đã phải cắt giảm nhân công tại Mỹ, báo cáo số liệu bán hàng khiêm tốn và chịu khoản lỗ ròng ngày càng lớn.
Theo kế hoạch, VinFast dự kiến sẽ bán được 45.000 đến 50.000 chiếc trong năm nay. Công ty của Việt Nam cũng mới bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện ở bang North Carolina của Mỹ và đặt mục tiêu đạt được lợi nhuận vào cuối năm 2024.
Hãng tin Bloomberg cho rằng mặc dù việc VinFast niêm yết thông qua SPAC có thể giúp tăng đáng kể khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, nhưng liệu VinFast có thành công hay không trong thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng và cạnh tranh cao thì vẫn phải chờ đợi.
Ông Phạm Nhật Vượng, 55 tuổi, là một doanh nhân sinh ra ở Hà Nội và được đào tạo ở Moscow, Nga.
Sau đó, ông chuyển đến Ukraine và bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh mì ăn liền vào đầu những năm 1990. Năm 2010, ông bán doanh nghiệp lại cho Nestle với số tiền không được tiết lộ, bắt đầu đặt nền móng cho doanh nghiệp tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup. Ban đầu, Vingroup tập trung vào lĩnh vực bất động sản, sau đó mở rộng hoạt động sang các khu nghỉ dưỡng, trường học, trung tâm mua sắm...
Tập đoàn có trụ sở tại Hà Nội có doanh thu 4,3 tỷ USD vào năm 2022, tương đương khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. VinFast được xem là bước đột phá đầu tiên của tập đoàn này trong lĩnh vực sản xuất xe.