Nga hôm 11/8 đã phóng phi thuyền thám hiểm mặt trăng lần đầu tiên sau 47 năm trong nỗ lực trở thành nước đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ nhẹ nhàng xuống cực nam của nguyệt cầu, khu vực được cho là có các hốc nước đóng băng mà con người khao khát tìm thấy được.
Sứ mạng thám hiểm mặt trăng của Nga, là lần đầu tiên kể từ năm 1976, sẽ chạy đua với Ấn Độ, nước đã phóng tàu đổ bộ mặt trăng Chandrayaan-3 hồi tháng trước. Trên bình diện rộng hơn, Nga cũng chạy đua với Hoa Kỳ và Trung Quốc, vốn đều thúc đẩy các chương trình thám hiểm cực nam của nguyệt cầu.
Cơ quan vũ trụ Nga cho biết tên lửa Soyuz 2.1v mang theo tàu vũ trụ Luna-25 đã phóng đi từ sân bay vũ trụ Vostochny, cách Moscow 5.550 km về phía đông, vào lúc 2h11 thứ Sáu 11/8, theo giờ Moscow.
Hơn một giờ sau đó, tàu Luna-25 bộ đã được đẩy ra khỏi quỹ đạo trái đất để bay về phía mặt trăng, và trung tâm điều khiển chuyến bay bắt đầu kiểm soát và điều khiển tàu Luna-25, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết.
Tàu Luna-25 dự kiến sẽ đáp xuống mặt trăng vào ngày 21/8, lãnh đạo cơ quan không gian Nga Yuri Borisov nói trên truyền hình nhà nước, mặc dù trước đó ngày hạ cánh đã được chốt là ngày 23/8.
“Bây giờ chúng tôi sẽ chờ đến ngày 21. Tôi hy vọng rằng sẽ có một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng, có độ chính xác cao lên mặt trăng,” ông Borisov nói với các chuyên viên tại sân bay vũ trụ Vostochny sau cuộc phóng. “Chúng ta hy vọng sẽ là người đầu tiên làm được điều này.”
Luna-25, có kích thước gần bằng một chiếc ô tô nhỏ, hướng đến hoạt động trong một năm trên cực nam mặt trăng, nơi các nhà khoa học NASA và các cơ quan vũ trụ khác trong những năm gần đây đã phát hiện dấu vết của nước đá trong các miệng núi lửa bị che khuất.
Sứ mệnh Luna-25 là nỗ lực rất lớn. Điện Kremlin cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc chiến ở Ukraine, trong đó có biện pháp nhắm vào lĩnh vực hàng không vũ trụ của Moscow, đã không làm suy suyễn được kinh tế Nga.
“Tham vọng mặt trăng của Nga được pha trộn rất nhiều thứ. Tôi nghĩ trước hết, đó là biểu hiện của sức mạnh quốc gia trên vũ đài thế giới,” ông Asif Siddiqi, giáo sư lịch sử tại Đại học Fordham, nói với Reuters.
Phi hành gia Mỹ Neil Armstrong đã trở nổi tiếng vào năm 1969 vì là người đầu tiên bước lên cung trăng, nhưng Luna-2 của Liên Xô là tàu vũ trụ đầu tiên đến được mặt trăng vào năm 1959 và tàu Luna-9 [không chở người] hồi năm 1966 là tàu đầu tiên hạ cánh nhẹ nhàng lên cung trăng.
Sau đó Moscow tập trung vào khám phá sao hỏa và kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga đã không phóng tàu thăm dò khoa học ra xa hơn quỹ đạo Trái đất.
Chưa có quốc gia nào đáp được phi thuyền nhẹ nhàng lên cực nam của mặt trăng. Tàu thám hiểm của Ấn Độ, Chandrayaan-2, đã thất bại trong nỗ lực này vào năm 2019.
Địa hình gồ ghề khiến việc hạ cánh ở đó rất khó, nhưng bù lại, nếu tìm ra nước thì đó sẽ là phần thưởng lịch sử: nó có thể được dùng để chiết xuất nhiên liệu và oxy, cũng như làm nước uống.
Ông Borisov cho biết ít nhất ba sứ mệnh thám hiểm mặt trăng khác đã được lên kế hoạch trong bảy năm tới, và sau đó Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác trong một sứ mạng thám hiểm mặt trăng có người lái.
“Các đồng nghiệp của tôi từ Trung Quốc và tôi sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo - khả năng đưa tàu có người lái lên mặt trăng và xây dựng một căn cứ mặt trăng,” ông nói.
Maxim Litvak, người đứng đầu nhóm lập kế hoạch cho các thiết bị khoa học trên Luna-25, cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất là hạ cánh ở nơi chưa từng ai làm được - và tìm nước.
“Có dấu hiệu của băng trong đất ở khu vực mà Luna-25 hạ cánh,” ông cho biết và nói thêm rằng Luna-25 sẽ hoạt động trên mặt trăng trong ít nhất một năm để lấy mẫu.