Nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với cựu thù Hoa Kỳ, Việt Nam đang được xem là một trong những “sân chơi” của “song hổ tranh hùng” là Mỹ và Trung Quốc.
Những ngày này, truyền thông quốc tế đổ dồn chú ý đến Việt Nam, xem quốc gia Đông Nam Á như một sân khấu tiêu biểu được tổng thống Hoa Kỳ lựa chọn đến thăm trong khi bỏ qua một diễn đàn lớn của khu vực là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia.
Theo lịch trình Nhà Trắng công bố, Tổng thống Joe Biden sẽ đến Hà Nội vào Chủ nhật (10/9) và gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền là ông Nguyễn Phú Trọng. Sau đó, ông sẽ lần lượt gặp gỡ các lãnh đạo trong nhóm “tứ trụ” của Việt Nam.
Chuyến thăm dự kiến sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt – Mỹ, đó là hai quốc gia cựu thù nâng cấp mối quan hệ của họ lên cấp độ cao nhất: Đối tác chiến lược toàn diện.
Sự kiện mang tính biểu tượng này được xem là một nước cờ chiến lược có lợi cho cả Mỹ lẫn Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc, mặc dù Hà Nội luôn khẳng định “không đứng về phía nào”, còn phía Trung Quốc cho rằng nó có “tác động rất hạn chế” đến họ.
Cân nhắc đã đủ
Hiện nay, Việt Nam chỉ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 nước là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Việc Hà Nội quyết định đưa mối quan hệ với Mỹ lên mức ngang bằng với Trung Quốc và Nga sau một thời gian dài nỗ lực thuyết phục của Mỹ, dù đứng ở góc độ nào, cũng có thể thấy đây là một cú bứt phá của Hà Nội ra khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Sự bành trướng và thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, trong thời gian qua chính là một trong những yếu tố dẫn đến quyết định “chốt đơn” của Hà Nội, theo nhận định của một số chuyên gia.
“Tôi đoán có nhiều yếu tố [dẫn đến quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ của Hà Nội]. Sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông có lẽ là một [yếu tố]”, nhà ngoại giao kỳ cựu Scot Marciel, nguyên Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với VOA.
“Thứ hai là thực tế mối quan hệ này đã rất mạnh mẽ, và do đó, việc này chỉ là thay đổi tên chính thức để phản ánh chất lượng cao của mối quan hệ. Thứ ba, có lẽ đây là thời điểm thuận tiện là 10 năm kể từ khi hai bên nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện và tất nhiên, lại có chuyến thăm của tổng thống nữa. Thứ tư, Việt Nam dường như đang nâng cấp quan hệ với một số nước, và việc làm tương tự với Hoa Kỳ cũng có rất nhiều ý nghĩa. Và cuối cùng, tôi không biết chi tiết nhưng dường như có rất nhiều cuộc nói chuyện về việc Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Việt Nam đề cập tới việc hợp tác kinh tế nhiều hơn, bao gồm cả việc hỗ trợ cho những nỗ lực của Việt Nam để phát triển về mặt công nghệ và đổi mới, đồng thời trở thành đối tác kinh tế quan trọng hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, điều đó có thể đã được tính đến”, nhà ngoại giao từng đại diện cho Mỹ mở văn phòng đầu tiên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Hà Nội vào năm 1993 trước khi hai nước thiết lập bang giao, phân tích thêm về những lý do khiến Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ vào lúc này.
Trong khi đó, ông Greg Poling, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nói với VOA khi Ngoại trưởng Blinken đến Việt Nam vào tháng 4 rằng “việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược là điều mà cả hai bên đều muốn, nhưng có thể hiểu được rằng Hà Nội đang lo lắng về việc liệu những lợi ích hữu hình mà họ nhận được từ việc này có đủ để bù đắp cho bất kỳ hình phạt nào đó về chính sách ngoại giao và kinh tế từ Bắc Kinh hay không”.
Do vậy, theo chuyên gia này, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 3 cũng như chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken “tất cả có lẽ nhằm mục đích cố gắng trấn an Hà Nội rằng không thể nào biết được thế nào là đủ hay không”.
Ngoài ra, thêm yếu tố về thời điểm, năm nay là năm thuận lợi để hai bên chính thức nâng cấp quan hệ song phương vì ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, và năm tới thì chính trị nội bộ của Mỹ lại chiếm vị trí trung tâm, theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Đại học New South Wales, thuộc Học viện Quốc phòng Australia.
Hình ảnh của Mỹ và mối quan hệ ‘biểu tượng’
Tờ Politico trong bài viết hôm 7/9 cho rằng Tổng thống Mỹ đã đến tận “sân sau” của Bắc Kinh bằng việc sử dụng Hội nghị thượng đỉnh G20 và chuyến thăm Việt Nam sau đó để quảng bá rằng liên minh toàn cầu do Mỹ dẫn đầu là sự đặt cược an toàn hơn cho các nước trên thế giới, so với việc dựa vào Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Việt Nam và Mỹ kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013, thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng lên gần gấp 4 lần, từ khoảng 35 - 36 tỷ USD lên hơn 123 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam là phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc trong nhập khẩu nguyên liệu thô và linh kiện cho các ngành sản xuất. Hơn nữa, Trung Quốc lại là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ bất động sản cho đến cơ sở hạ tầng.
Trong nỗ lực giành ảnh hưởng với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ trong cuộc họp với G20 đã đề cập đến đề xuất dành cho các nước đang phát triển và thu nhập trung bình bằng cách tăng cường khả năng cho vay của Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế khoảng 200 tỷ USD.
Đây được xem là một nỗ lực nhằm đưa ra giải pháp thay thế đáng kể, dù nhỏ hơn, cho sáng kiến cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” khổng lồ của Trung Quốc, mà Mỹ coi là chiến lược “con ngựa thành Troy” do Trung Quốc dẫn đầu đối với sự phát triển khu vực và mục tiêu mở rộng về quân sự.
Một số chuyên gia cho rằng rất khó để xếp Việt Nam vào diện “thân Mỹ” hay “thân Trung Quốc” bởi một mặt, Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều điểm chung về mặt chính trị với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng mặt khác, Bắc Kinh lại luôn là mối đe dọa của Hà Nội trong những tranh chấp lãnh thổ lâu nay.
Trả lời AFP hôm 8/9, ông Nguyễn Quốc Cường, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ từ năm 2011 đến năm 2014, nói rằng Việt Nam không muốn đóng vai trò cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh.
“Việt Nam có chính sách rất rõ ràng về việc kết bạn với tất cả mọi người. Việt Nam luôn nói không đứng về phía nào, không chọn Mỹ chống Trung Quốc. Mỹ hoàn toàn nhận thức được điều này”, hãng thông tấn Pháp dẫn lời ông Cường khẳng định.
Nhà ngoại giao Scot Marciel cũng đồng thuận về ý kiến này khi cho rằng có vẻ như Việt Nam đang có chiến lược xây dựng mối quan hệ bền chặt với nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, để đa dạng hóa các mối quan hệ.
Theo ông, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện chỉ mang tính biểu tượng giữa bối cảnh mối quan hệ song phương đã phát triển rất mạnh mẽ, và đây chỉ là một hình thức “đổi tên”.
“Nâng cấp quan hệ chính thức không tự động thay đổi bất cứ điều gì. Nó gửi một thông điệp rất rõ ràng. Vì vậy, về mặt biểu tượng, nó rất quan trọng, nhưng bản thân nó không làm thay đổi ngay chất lượng của mối quan hệ. Nó có tính phản ánh nhiều hơn”, ông Marciel lưu ý thêm.
Để đánh giá những ảnh hưởng trên thực tế, theo ông, cần phải xem xét những nội dung mà các nhà lãnh đạo hai phía sẽ thỏa thuận với nhau trong từng lĩnh vực cụ thể, như thông báo của hai phía về các mối quan hệ kinh tế, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu...
Trung Quốc nên “chấp nhận thực tế”
Kể từ khi ông Biden chính thức đề cập đến mong muốn của Hà Nội trong việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất, Trung Quốc gần như không đưa ra phản ứng công khai nào trước động thái mà hầu hết các hãng truyền thông quốc tế xem là “chống Trung Quốc” của Washington.
Mặc dù vậy, theo AFP, Trung Quốc “không hề lơ là” đối với sự kiện này. Cụ thể là họ đã cử một phái đoàn cấp cao tới Việt Nam trong tuần này để “tăng cường đoàn kết và hợp tác” trước chuyến thăm của ông Biden.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, vốn được xem là cái loa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước đó có bài viết nói rằng quan hệ Mỹ-Việt “có tác động rất hạn chế đến Trung Quốc” khi ông Biden tới Hà Nội.
Bài báo nói rằng Washington đang nỗ lực trong việc sử dụng hoặc buộc các nước láng giềng của Trung Quốc phải tham gia vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cuộc cạnh tranh quyền lực do Mỹ khởi xướng nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, và mặc dù Việt Nam muốn thúc đẩy sự phát triển và muốn hưởng lợi từ chiến lược của Mỹ, nhưng Hà Nội sẽ không để Mỹ lợi dụng để kiềm chế Trung Quốc.
“Quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á này có mức độ tin cậy lẫn nhau cao và hợp tác sâu rộng với Trung Quốc, đồng thời sẽ có những hạn chế trong việc xích lại gần nhau hơn giữa Mỹ và Việt Nam vì những lý do phức tạp về tư tưởng và lịch sử”, Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định.
Tờ báo dẫn nhận định của ông Xu Liping, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng Việt Nam có kế hoạch ngoại giao lâu dài nhằm phát triển quan hệ đối tác chiến lược với tất cả năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và “Mỹ là nước cuối cùng có được nó do quan hệ Mỹ-Việt phức tạp”.
“Tôi đoán là Bắc Kinh sẽ không thích điều này lắm, nhưng đó là thực tế”, cựu Đại sứ Marciel đưa ra nhận xét với VOA về phản ứng có thể có của Bắc Kinh sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ.
“Họ có thể không thích nó. Nhưng tôi nghĩ cả Trung Quốc và Mỹ đều cần hiểu rằng các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, họ sẽ tự đưa ra quyết định. Và họ là những quốc gia có chủ quyền độc lập, họ có quyền có quan hệ chặt chẽ với bất kỳ quốc gia nào họ lựa chọn”.
Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ lưu ý thêm rằng không chỉ Việt Nam mà toàn bộ khu vực Đông Nam Á hiện nay đang mở rộng quan hệ không chỉ với Mỹ, Trung Quốc mà còn với nhiều quốc gia khác theo nhu cầu lợi ích riêng của họ.