Sau vụ cháy kinh hoàng hôm 12/9 khiến 56 người chết và hơn 30 người khác bị thương tại một chung cư mini ở Phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, gần đây nhà chức trách ở Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động ngăn chặn thảm hoạ nhưng nhiều người cho rằng chỉ là các giải pháp bề nổi, không giải quyếtđược căn nguyên sâu xa.
Theo báo chí nhà nước, nhiều đoàn kiểm tra đã được thành lập, rà soát hàng nghìn chung cư mini và nhà trọ cao tầng trong thành phố, gắn trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức cơ quan, đơn vị để xem xét trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ.
Quận Thanh Xuân đã yêu cầu chủ đầu tư các chung cư mini và nhà cao tầng cho thuê phải rà soát trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ-cứu nạn và tìm phương án di dời xe cộ ra khỏi các chung cư và nhà cao tầng dạng này để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những phương án này là ‘cách mà chính quyền Hà Nội và quận Thanh Xuân chữa cháy lúc này’, chỉ mang tính chất xử lý bề nổi mà không động được tới căn nguyên sâu xa của tình trạng mất an toàn phòng cháy chữa cháy hiện nay. Những cách thức đó, theo họ, chẳng thể giải quyết được gì nhiều và nguy cơ về những thảm hoạ tương tự vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân.
Anh N.H.N, một cư dân ở quận Thanh Xuân, cho rằngđể giải quyết tận gốc vấn đề, chính quyền Hà Nội cần truy đến cùng ai và những thế lực nào cho phép cácchung cư mini và nhà cao tầng cho thuê không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy như vậy được phép xây dựng và tồn tại nhiều năm qua. Hơn thế, vẫn theo lời anh, phải đóng cửa ngay lập tức những chung cư mini hay nhà cao tầng cho thuê hiện không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy thì mới mong không tái diễn thảm hoạ tương tự. Anh N nói việc lập đoàn kiểm tra và yêu cầu chủ chung cư di dời xe cộ ra khỏi tầng 1 hay tầng hầm vv..v..thực tế là cách làm thường thấy của chính quyền mỗi khi xảy ra một vụ việc nghiêm trọng và cũng là cách họ đẩy trách nhiệm sang người dân mà thôi.
“Thì chính quyền lúc nào cũng phải làm như thế để dân người ta đỡ kêu ca thôi. Đấy thực sự chỉ là cách mà quận Thanh Xuân bịt tội thôi chứ có gì đâu. Họ ăn tiền họ bỏ qua bao nhiêu quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy thì bây giờ họ phải tìm cách bịt tội thôi,” anh N bức xúc.
Là chủ một doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố, anh N cho biết anh không lạ gì sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát an toàn phòng cháy chữa cháycủa các cơ quan chức năng từ cấp quận cho tới cấp thành phố, và anh cũng đã quá quen thuộc với cách mà những cơ quan này ‘ăn tiền’ để làm lơ cho những vi phạm của cá nhân và doanh nghiệp.
“Đơn giản như nhà mình và cũng là nơi đặt công ty của mình. Nó là một doanh nghiệp nhỏ. Nó là một cái nhà vài tầng thôi nhưng họ vẫn thường xuyên đến và phải đút lót cho bên phòng cháy chữa cháy các thứ. Họ kêu là có kho à? Kho thì quy định về phòng cháy chữa cháy phải như thế này như thế kia, nhưng chung quy lại là tiền hết, và tiền thôi. Chứ có làm cái gì đâu,” anh N chia sẻ với VOA và cho biết rằng dù doanh nghiệp anh có bỏ tiền làm đúng hết mọi quy định về phòng cháy chữa cháy thì các cơ quan có trách nhiệm cũng tìm mọi cách moi ra bằng được một cái gì đấy chưa đáp ứng yêu cầu để ‘ăn tiền’. Vì thế, anh nói, đằng nào cũng mất tiền, tội gì mất thêm công sức và kinh phí đầu tư cho hệ thống phòng cháy chữa cháy cho tốn kém.
Theo bà D.N.X, một cán bộ làm việc trong lĩnh vực quản lý đô thị tại Hà Nội, việc cấm chung cư mini và nhà cao tầng cho thuê hay yêu cầu các công trình này đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy đúng quy định là không dễ dàng. Bà cho biết thực tế hầu hết những công trình này được xây dựng trên danh nghĩa là nhà ở tư nhân. Nếu họ không xây quá 6 tầng theo quy định về nhà ở tư nhân, thì cũng không thể bắt họ đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy như công trình chung cư. Các chủ nhân thường phân chia ra thành nhiều phòng nhỏ và bán hay cho thuê theo hình thức giấy tờ viết tay. Trong nhiều trường hợp, chủ nhà và người muahay người thuê còn nhận ‘họ hàng’ hay khai là ‘người thân đến ở tạm’ khi có đoàn kiểm tra đến làm việc.
“Nó rẻ tiền mà chưa đến 1 tỉ chỉ khoảng mấy trăm triệu một phòng, mà tiền của người ta chỉ có đến mức độ đó thôi. Giá nhà đất hiện ảo quá mà,” bà X cho biết và nói thêm rằng hiện thành phố chưa có quy định cụ thể cho sự hoạt động và tồn tại của loại hình chung cư mini hay nhà cao tầng tư nhân cho thuê tự phát nên không có căn cứ để điều chỉnh và xử lý.
Nhiều người cho rằng những khó khăn trong việc xử lý hay quản lý hiện nay chủ yếu xuất phát từ sự thoả hiệp của chính quyền vì hệ thống các cơ quan quản lý cũng đang kiếm được một nguồn tiền ‘lót tay’ không nhỏ từ các chủ đầu tư những công trình dạng này mà thôi.
Chỉ riêng ở quận Thanh Xuân đã có trên dưới 1.900 chung cư mini và nhà cao tầng cho thuê. Để xây dựng các công trình này, các chủ đầu tư không thể không ‘lót tay’ cho các cơ quan quản lý. Để tồn tại và có thể kinh doanh, các chủ nhân hàng tháng có thể phải nộp lại một phần không nhỏ lợi nhuận cho chính quyền địa phương.
“Nó có một cái dây từ thượng tầng là thành phố cho tới phường, xóm…thành ra cũng rất khó xử lý mà cũng đã tồn tại 2-3 đời lãnh đạo rồi,” ông L.D.T, một cán bộ về hưu sinh sống ở quận Hoàn Kiếm, chia sẻ với VOA.
Truyền thông trong nước dẫn lời nguyên bí thư thành uỷ Hà Nội, Phạm Quang Nghị, bên lề Hội nghị lấy ý kiến các cán bộ nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, cho biết thực tế là có công trình vi phạm bị lập biên bản xong vẫn tiếp tục tồn tại và chủ đầu tư thậm chí còn mong được phạt để hợp thức hóa vi phạm, vì lợi nhuận lớn hơn tiền phạt rất nhiều.
Ông Nghị cũng cho biết thành phố còn nhiều công trình vi phạm khác và đằng sau là ‘những thế lực chống lưng’. Do vậy khi xử lý, chính quyền không chỉ đương đầu với các chủ công trình mà còn với ‘những thế lực chống lưng’ nữa.