Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm (5/10) đưa ra khả năng Nga có thể nối lại thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên sau hơn ba thập niên và có thể rút lại việc phê chuẩn hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân mang tính bước ngoặt.
Ông Putin, người ra quyết định cuối cùng ở cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, cũng cho biết Moscow đã thử thành công tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - Burevestnik - mà ông gọi là có khả năng vô song.
Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin nói không cần phải thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga, vì bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga cũng sẽ gây ra phản ứng trong tích tắc bằng hàng trăm tên lửa hạt nhân mà không kẻ thù nào có thể sống sót.
“Tôi nghĩ không một người có đầu óc tỉnh táo và trí nhớ minh mẫn nào lại nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga”, ông Putin nói.
“Tôi nghe thấy những lời kêu gọi bắt đầu thử nghiệm vũ khí hạt nhân và quay trở lại thử nghiệm”, ông Putin nói thêm, đề cập đến những đề xuất từ các nhà khoa học và nhà bình luận chính trị theo đường lối cứng rắn cho rằng động thái như vậy có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ thù của Moscow ở phương Tây.
Ông lưu ý rằng Hoa Kỳ đã ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện nhưng không phê chuẩn trong khi Nga đã ký và phê chuẩn.
“Tôi chưa sẵn sàng để nói liệu chúng ta có thực sự cần tiến hành thử nghiệm hay không, nhưng về mặt lý thuyết, có thể hành xử giống như Mỹ”, ông Putin nói.
“Nhưng đây là câu hỏi dành cho các đại biểu Hạ viện. Về mặt lý thuyết, có thể rút lại việc phê chuẩn này. Thế là đủ”, ông nói.
Phát biểu của ông Putin nhằm trả lời câu hỏi của nhà khoa học chính trị theo đường lối cứng rắn người Nga Sergei Karaganov, người muốn có lập trường hạt nhân cứng rắn hơn.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc Nga, Mỹ hoặc cả hai nối lại thử nghiệm hạt nhân sẽ gây bất ổn sâu sắc vào thời điểm căng thẳng giữa hai nước đang lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong 60 năm qua.
Vào tháng 2, ông Putin đã đình chỉ việc Nga tham gia hiệp ước START mới, là hiệp ước nhằm hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà mỗi bên có thể triển khai.
Ông Putin hôm thứ Năm cho biết Nga gần như đã hoàn thành công việc chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat thế hệ mới, có khả năng mang từ 10 đầu đạn hạt nhân trở lên.
Ông cho biết Nga cũng đã thử thành công tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik, nhưng không cho biết khi nào.
Ông Putin nói rằng chính phương Tây đã kích động xung đột ở Ukraine, cuộc xung đột mà ông coi là một phần của cuộc đấu tranh lớn hơn nhiều giữa Nga và một phương Tây kiêu ngạo mà ông cho là đã mất đi cảm nhận thực tế trong nhiều thập niên kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Phương Tây coi cuộc chiến này là sai lầm chiến lược lớn nhất của Moscow kể từ cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô năm 1979, và các nhà lãnh đạo phương Tây nói rằng họ đang trang bị vũ khí cho Ukraine để nước này có thể tự vệ và đánh bại lực lượng Nga.