Các nhà lập pháp Nga có 10 ngày tính từ thứ Hai để nghiên cứu cách tốt nhất để thu hồi việc phê chuẩn của Moscow về một hiệp ước mang tính bước ngoặt cấm thử nghiệm hạt nhân, sau khi Tổng thống Vladimir Putin muốn giữ lại khả năng tiếp tục thử nghiệm hạt nhân.
Đặc phái viên của Nga tại Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) hôm thứ Sáu (6/10) cho biết Moscow sẽ hủy bỏ việc phê chuẩn hiệp ước, một động thái mà Washington lên án là gây nguy hiểm cho “chuẩn mực toàn cầu” chống lại các vụ nổ của thử nghiệm hạt nhân.
Động thái này được một số nhà phân tích an ninh phương Tây coi là lời nhắc nhở rõ ràng từ Moscow rằng Nga vẫn sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới vào thời điểm nước này đang rơi vào thế đối đầu với phương Tây về vấn đề Ukraine.
Một cuộc thử nghiệm hạt nhân của Nga, được lên kế hoạch để chứng tỏ sự quyết tâm và khơi dậy nỗi sợ hãi, có thể khuyến khích các nước khác như Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc làm theo, khởi động một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới giữa các cường quốc, vốn đã ngừng thử nghiệm hạt nhân trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Ông Putin hôm thứ Năm tuần trước cho biết học thuyết hạt nhân của Nga - những điều kiện mà ông sẽ nhấn nút hạt nhân - không cần cập nhật.
Tuy nhiên, ông cho biết Nga có thể xem xét việc thu hồi phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) để ngang bằng với Hoa Kỳ, quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn văn bản này.
Nhà lập pháp hàng đầu của Nga Vyacheslav Volodin đã thảo luận vấn đề này với các nhà lãnh đạo quốc hội hôm thứ Hai và cho biết việc thu hồi phê chuẩn sẽ vì lợi ích quốc gia của đất nước.
Theo một tuyên bố từ Hạ viện, ông và các lãnh đạo quốc hội khác đã cho các nhà lập pháp trong Ủy ban các vấn đề quốc tế 10 ngày - cho đến ngày 18 tháng 10 - để nghiên cứu phương án.
Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) kêu gọi Moscow suy nghĩ trước khi hành động.
ICAN nói trong một tuyên bố: “Nga phải từ bỏ lời đe dọa liều lĩnh rút lại phê chuẩn”.
"Các hiệp ước quốc tế... rất quan trọng để đảm bảo rằng các cuộc thử nghiệm hạt nhân, vốn gây tổn hại cho sức khỏe con người và gây ra tình trạng ô nhiễm phóng xạ kéo dài, sẽ không được nối lại".
Ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Washington, cho biết động thái này có thể "đưa Nga và thế giới quay trở về kỷ nguyên nguy hiểm của các mối đe dọa hạt nhân ăn miếng trả miếng".
Chiến tranh Ukraine đã đẩy căng thẳng giữa Moscow và Washington lên mức cao nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, đúng lúc Trung Quốc tìm cách củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình để phù hợp với vị thế là một siêu cường mới nổi.
Bằng cách thu hồi phê chuẩn, Nga đang gửi đến Hoa Kỳ một lời cảnh báo rằng Moscow về cơ bản có thể thay đổi các giả định về kế hoạch hạt nhân thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Được 187 quốc gia ký kết và 178 quốc gia phê chuẩn, CTBT không thể có hiệu lực cho đến khi 8 quốc gia cụ thể ký và phê chuẩn.
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập, Iran và Israel đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan chưa ký.
Liên Xô thử nghiệm hạt nhân lần cuối vào năm 1990 và Hoa Kỳ vào năm 1992. Nga, nước kế thừa phần lớn kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, chưa bao giờ làm như vậy. Nhưng đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy việc thử nghiệm có thể tiếp tục.
Tháng trước CNN cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động ngày càng gia tăng tại các địa điểm thử hạt nhân ở Nga, Trung Quốc và Mỹ. Vào năm 2020, tờ Washington Post cho biết chính quyền Trump khi đó đã thảo luận về việc có nên tổ chức một vụ thử hạt nhân hay không.
Mười vụ thử hạt nhân đã diễn ra kể từ CTBT. Theo Liên Hợp Quốc, Ấn Độ và Pakistan mỗi nước đã tiến hành hai vụ thử vào năm 1998, trong khi Triều Tiên tổ chức các vụ thử vào năm 2006, 2009, 2013, 2016 (hai lần) và 2017.