Việt Nam luôn coi trọng, duy trì và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc và coi đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, lâu dài và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của mình, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định trong buổi tiệc chiêu đãi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và đoàn đại biểu của Bộ này sang thăm và làm việc tại Việt Nam hôm 25/11, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết.
Đáp lại, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cam kết tăng cường quan hệ thương mại song phương với Việt Nam, nói rằng hợp tác thương mại giữa hai nước đã đạt được “kết quả tốt đẹp” và sẽ bao gồm các lĩnh vực chiến lược như nền kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh và thương mại điện tử xuyên biên giới, Reuters dẫn thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thêm.
Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2004.
Về đầu tư, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 về vốn và đứng thứ nhất về số lượng dự án mới tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2022.
Thương mại song phương trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt gần 140 tỷ USD.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên khôi phục chuỗi cung ứng bị gián đoạn, rà soát các văn bản đã ký kết và nghiên cứu nâng cấp, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới, thúc đẩy hình thành các khu thương mại xuyên biên giới và tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kết nối về kinh tế.
Lãnh đạo Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các địa phương và hệ thống bán lẻ của Trung Quốc, tạo điều kiện thông quan cho hàng Việt Nam và thúc đẩy thành lập các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc.
Về phía Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Vương cam kết sẽ tăng cường quan hệ thương mại song phương với Việt Nam, và đề nghị Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, tăng cường hợp tác đa phương và cùng thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, trong đó có việc nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tranh giành ảnh hưởng với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, quốc gia vừa nâng cấp mối quan hệ với Washington lên mức đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua. Việc nâng cấp này đã đưa Mỹ, là cựu thù của Hà Nội, lên ngang hàng với Bắc Kinh và Moscow.
Hồi đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông đã dẫn đầu đoàn đàm phán cấp chính phủ sang Việt Nam để bàn về vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cuộc hội đàm giữa ông Tôn Vệ Đông và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ được mô tả là diễn ra trong không khí “hữu nghị, thẳng thắn, cầu thị”, giữa bối cảnh căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ giữa hai quốc gia láng giềng đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
Vào tháng trước, các nguồn tin am tường nói với Reuters rằng các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm tiềm năng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, nhưng ba nhà ngoại giao ở Hà Nội sau đó cho biết chuyến thăm bị hoãn lại cho đến tháng 12.