Một tượng đài tri ân giáo sĩ Francisco de Pina, người có công đầu trong việc tạo tác chữ Việt theo ký tự La tinh, vừa được một nhóm trí thức Việt Nam mang sang lắp đặt và khánh thành tại quê hương ông ở Bồ Đào Nha hôm 26/11.
Mặc dù chữ viết theo ký tự Latinh của tiếng Việt đã được hình thành khoảng 400 năm trước và trở thành chữ quốc ngữ hơn cả trăm năm nay, nhưng không phải người Việt nào cũng biết đến những người tiên phong có công đầu trong việc tác tạo ra nó.
Ngoài giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người được biết đến nhiều vì có công hệ thống hóa và định chế hóa chữ quốc ngữ, giáo sĩ Francisco de Pina là nhà truyền giáo đầu tiên thông thạo tiếng Việt và ông chính là người đã xây dựng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh. Ông de Pina là thầy của ông de Rhodes.
“Ông Francisco de Pina bây giờ đã được xác định rõ là người tiên phong tác tạo ra chữ quốc ngữ bằng hình thức là ông đã nhận định và xác định được 6 âm vực của tiếng Việt bằng một bản nhạc. Ông đã tác tạo ra chữ quốc ngữ và chính ông đã mở một lớp học ở Thanh Chiêm vào thế kỷ XVII để dạy cho các giáo sĩ mới tới về tiếng Việt và cách dùng các ký tự chữ quốc ngữ. Ngài Alexandre de Rhodes là một trong những môn đệ đã tới học các lớp này”, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nói với VOA khi ông đang có mặt tại Guarda, quê hương của vị giáo sĩ người Bồ Đào Nha.
Giáo sư Hưng là Chủ tịch “Quỹ Vinh danh tiếng Việt và chữ quốc ngữ” và đứng đầu dự án xây dựng và đặt tượng đài tri ân giáo sĩ Francisco de Pina.
Biểu tượng tri ân có hình thuyền buồm, là phương tiện mà giáo sĩ Francisco de Pina đã dùng để đi sang Việt Nam, cao 3 mét, rộng 1,65 mét, được đúc thủ công bằng đồng tại Thanh Chiêm, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nơi giáo sĩ Francisco de Pina đã mở lớp dạy chữ quốc ngữ và một học trò của ông sau này trở nên nổi tiếng chính là cha Alexandre de Rhodes.
Tượng đài được vận chuyển đến thành phố Guarda, nơi sinh của giáo sĩ Francisco de Pina để lắp đặt và khánh thành vào ngày 26/11.
Trên thân tượng đài có in hình trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của văn minh cổ Đại Việt. Phần buồm có 2 phần: phần thẳng đứng có ghi lời tri ân “Tấm bia này là biểu tượng tri ân cha FRANCISCO DE PINA, một trong những người đầu tiên đã tác tạo ra Chữ Quốc ngữ, chữ viết tiếng Việt dùng ký tự Latinh” được viết bằng 3 ngôn ngữ; phần cong có in nguyên văn thủ bút của vị giáo sĩ, với 6 hàng nhạc ghi 6 thanh điệu của tiếng Việt và lời giải thích.
Mở cánh cửa hướng ra văn minh
Mặc dù quá trình hoàn thiện chữ quốc ngữ có sự đóng góp công sức của rất nhiều người, chủ yếu là các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, các tín đồ Công giáo Việt Nam, nhưng hai người được ghi nhận công đầu là giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes, trong đó, giáo sĩ Francisco de Pina được coi là người tiên phong đặt nền móng cho sự ra đời của chữ quốc ngữ.
Với tài năng về ngôn ngữ, cha Francisco de Pina trong 8 năm sống ở Việt Nam (1617 -1625) đã học rất nhanh tiếng Việt và là giáo sĩ duy nhất giảng đạo dùng tiếng bản xứ vào thời đó. “Ông có được khả năng ấy vì ngài không những là một vị giáo sỹ uyên thâm ngôn ngữ mà còn là một nhạc sĩ”, GS. Nguyễn Đăng Hưng cho biết.
Nhờ vậy, ông đã phát hiện ra sự phong phú trong âm tiết tiếng Việt và đã dùng âm nhạc để ghi lại 6 thanh điệu của tiếng Việt qua một thủ bút gởi về cho các cha bề trên tại Lisboa (tức Lisbon), khởi nguồn cho dự án đồ sộ dùng ký tự Roman để viết tiếng Việt.
Chữ viết theo ký tự Latinh được xem là một phương tiện giúp người Việt hội nhập nhanh hơn với văn minh nhân loại. GS. Nguyễn Đăng Hưng, trong bài phát biểu vào ngày khánh thành tượng đài, nói: “Chúng ta vẫn biết lúc ban đầu các giáo sĩ cơ đốc Dòng Tên chỉ muốn tạo dựng một phương tiện hữu hiệu để truyền đạo, nhưng tính cách nghiêm túc và khoa học của công trình của họ đã cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh”.
Theo ông, “Việc có mặt chữ quốc ngữ đã giúp cho dân tộc ta thoát khỏi việc sử dụng chữ Hán. Dù chúng ta đã sáng tạo ra chữ Nôm, nhưng chữ Nôm cũng phát xuất từ chữ Hán và cũng còn nhiều rắc rối. Còn chữ quốc ngữ là ký âm và được tác tạo một cách rất khoa học. Tiếng Việt đọc làm sao thì viết như vậy. Đó là chữ quốc ngữ. Và chữ quốc ngữ đã biến thành chữ của người Việt. Chỉ có người Việt mới viết chữ quốc ngữ. Cho nên tuy nó là sự sáng tạo của người nước ngoài nhưng trong quá trình lịch sử đã được người Việt Nam chấp nhận”.
GS. Nguyễn Đăng Hưng nói thêm với VOA: “Sau này thành lập chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chính phủ Hồ Chí Minh, thì Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký văn bản xác định chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Bây giờ là chữ viết của gần 100 triệu người Việt ở khắp ba miền đất nước cũng như ở hải ngoại”.
Nhờ dùng chữ Quốc ngữ, Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng được ngành xuất bản, bưu chính viễn thông. Mẫu tự Latinh thuận tiện cho việc chế tạo máy chữ, sắp chữ in, mã hóa thành tín hiệu điện tín… Nếu dùng chữ Hán hoặc Nôm thì các ngành trên không thể sớm ra đời và phát triển được như ngày nay, vẫn theo GS. Hưng.
Tôn vinh và bảo vệ chữ quốc ngữ
Dự án xây dựng tượng đài tri ân giáo sĩ Francisco de Pina là một hoạt động nối tiếp việc đặt bia tri ân giáo sĩ Alexandre de Rhodes mà “Quỹ Vinh danh tiếng Việt và chữ quốc ngữ” đã thực hiện cách đây 5 năm (2018) tại ngôi mộ của ông ở Isfahan, Iran.
“Nó bắt đầu từ ý nghĩ của chính chúng tôi bởi vì chúng tôi muốn bảo vệ chữ quốc ngữ để phản bác lại mưu đồ của một số người muốn thay đổi chữ quốc ngữ. Chúng tôi cảm thấy chữ quốc ngữ bị tấn công nên đứng ra bảo vệ nó và nhận được sự ủng hộ đông đảo của đại bộ phận các thức giả, trí thức Việt Nam, Công giáo cũng như lương”, GS. Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ với VOA.
Theo ông, chữ quốc ngữ là “thành quả giao lưu văn hóa Âu-Á trong sáng và trường tồn vào bậc nhất của nhân loại” khi công trình giao lưu văn hóa vào thế kỷ 17 này đã tập hợp được đông đảo người tham gia thuộc nhiều quốc tịch: Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Nhật, Trung Hoa, Pháp và Việt Nam... để sáng tạo, hình thành và đạt kết quả mỹ mãn là sự ra đời của chữ quốc ngữ.
“Nếu ví di sản tinh thần, tinh hoa văn hóa, khoa học, trí tuệ của nước Việt như một Đại sơn mạch hùng vĩ, thì các đỉnh cao tinh hoa đất nước, như Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du…, như những đỉnh cao chất ngất. Các cha dòngTên ở Nước Mặn, Thanh Chiêm đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ bốn trăm năm trước, cũng nằm trong các đỉnh sơn mạch đó”, nhà văn Hoàng Minh Tường nói trong bài phát biểu tại Guarda.
“Tiếc rằng đỉnh của các ngài Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes… nằm trong đới băng phủ, sương mù, mà hậu thế hôm nay chưa thấy, mắt trần tục của hôm nay chưa nhìn thấy”, ông nói.
“Tin rằng, những lớp hậu sinh con cháu chúng tôi, một ngày nào đó sẽ đón rước hương linh đức Linh mục Francisco de Pina, Alexandere De Rhodes và các đức cha dòng Tên Bồ Đào Nha, Ý, Pháp… từng ở Nước Mặn, Thanh Chiêm để học tiếng Việt, tìm cách kiến tạo ra chữ Quốc ngữ, sẽ được rước vào Văn Miếu Quốc Tử Giám tại cố đô Thăng Long để phối thờ với các đại sư biểu của người Việt, để hậu sinh mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của những nhà khai sáng”, vẫn lời nhà văn.
GS. Nguyễn Đăng Hưng cho hay việc đặt tượng tri ân đã nhận được sự ủng hộ và giúp sức nhiệt tình từ chính quyền thành phố Guarda của Bồ Đào Nha.
“Họ rất trân trọng tinh thần nghệ thuật của tượng đài tri ân mà chúng tôi mang qua đây, và họ đã bỏ công bỏ sức ra để giúp chúng tôi. Họ cũng giúp về kỹ thuật viên. Họ cung cấp cho chúng tôi đến 8 người thợ mới có thể khiêng và dựng nổi tượng đồng này”, ông nói.
Sở dĩ thành phố Guarda được chọn làm nơi đặt tượng tri ân giáo sĩ Francisco de Pina là vì cho đến nay, nấm mồ vị giáo sĩ người Bồ Đào Nha vẫn chưa được xác định sau khi ông bị chết đuối ở Hội An vào năm 1625.
GS. Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ rằng chi phí làm tượng đồng và vận chuyện đến Bồ Đào Nha khá cao, lên đến 700 triệu đồng, phần lớn được lấy từ “Quỹ vinh danh tiếng Việt và chữ quốc ngữ”.
“Về phần tôi, tôi bán được cuốn sách ‘Giấc mơ Việt Nam tôi’ có bao nhiêu tiền tôi đổ vào đó hết. Chúng tôi thanh toán được phần lớn nhưng còn 40% là 280 triệu đồng chúng tôi còn thiếu người đúc đồng và người thiết kế dự án này. Chúng tôi hy vọng sau khi hành động của chúng tôi thành công ở Bồ Đào Nha và được sự ủng hộ của người Bồ, thì các mạnh thường quân sắp tới sẽ giúp chúng tôi thanh toán phần còn lại, và biết đâu quỹ Văn hoá của chính quyền Việt Nam hiện nay sẽ trích cho chúng tôi một phần để thanh toán việc này”.
Ngoài hoạt động đặt tượng đài tri ân, nhóm trí thức Việt Nam còn tổ chức đêm tôn vinh tiếng Việt và chữ quốc ngữ để cùng nói tiếng Việt, ngâm thơ, hát bài hát tiếng Việt ngay tại quê hương của giáo sĩ Francisco de Pina.