Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã giành được chiến thắng sớm vào thứ Năm (30/11), với việc các đại biểu thông qua một quỹ mới nhằm giúp các quốc gia nghèo đối phó với những thảm họa khí hậu tốn kém.
Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber nói quyết định này đã gửi một “tín hiệu tích cực về động lực tới thế giới và tới công việc của chúng tôi ở Dubai”.
Khi thành lập quỹ vào ngày đầu tiên của hội nghị COP28 kéo dài hai tuần, các đại biểu đã mở cửa cho các chính phủ công bố các khoản đóng góp.
Và nhiều nước đã làm như vậy, khởi động một loạt cam kết nhỏ mà các quốc gia hy vọng sẽ tạo ra một số tiền đáng kể, bao gồm 100 triệu USD từ nước chủ nhà COP28 là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, 100 triệu USD từ Đức, ít nhất 51 triệu USD từ Anh, 17,5 triệu USD từ Hoa Kỳ và 10 triệu USD từ Nhật Bản.
Bước đột phá sớm về một quỹ thảm họa mà các quốc gia nghèo hơn đã yêu cầu trong nhiều năm có thể giúp thúc đẩy các thỏa hiệp khác được thực hiện trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai tuần.
Nhưng một số nhóm tỏ ra thận trọng, lưu ý rằng vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết, bao gồm cả việc quỹ sẽ được tài trợ như thế nào trong tương lai.
Harjeet Singh, người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu tại Climate Action Network International, nói: “Việc không có chu kỳ bổ sung được xác định đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững lâu dài của quỹ”.
Ông nói: “Trách nhiệm hiện nay thuộc về các quốc gia giàu có trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của họ theo cách tương xứng với vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Adnan Amin, Giám đốc điều hành của hội nghị thượng đỉnh COP28, nói với Reuters trong tháng này rằng mục đích là đảm bảo hàng trăm triệu đô la cho quỹ thảm họa khí hậu trong sự kiện này.
Giáo hoàng Phanxicô, người bị buộc phải hủy chuyến đi tới COP28 vì đau bệnh, đã gửi một thông điệp trên nền tảng truyền thông xã hội X: “Cầu mong những người tham gia #COP28 trở thành những nhà chiến lược tập trung vào lợi ích chung và tương lai của con cái họ, thay vì chỉ tập trung vào lợi ích của một số quốc gia hoặc doanh nghiệp nhất định. Cầu mong họ thể hiện sự cao quý của chính trị chứ không phải những điều hổ thẹn của nó”.
VẤN ĐỀ NHIÊN LIỆU HÓA THẠCH
Trước đó vào thứ Năm, ông Jaber đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh bằng cách kêu gọi các nước và các công ty nhiên liệu hóa thạch hợp tác với nhau để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.
Các chính phủ đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán kéo dài về việc có nên đồng ý lần đầu tiên về việc loại bỏ dần việc sử dụng than, dầu và khí đốt phát thải CO2, nguồn phát thải chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu hay không.
Ông Jaber, đồng thời là Giám đốc điều hành của công ty dầu khí quốc gia ADNOC của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhắm mục tiệu đạt được một bầu khí hòa giải sau nhiều tháng bị chỉ trích về việc bổ nhiệm ông làm người đứng đầu COP28.
Ông thừa nhận rằng có “quan điểm mạnh mẽ” về ý tưởng đưa những ý kiến về nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo vào văn bản đàm phán.
Ông nói: “Điều cần thiết là không có vấn đề nào bị bỏ sót. Và vâng, như tôi đã nói, chúng ta phải tìm cách và đảm bảo có sự tham gia về vai trò của nhiên liệu hóa thạch”.
Ông ca ngợi quyết định của đất nước mình trong việc “chủ động tham gia” với các công ty nhiên liệu hóa thạch và lưu ý rằng nhiều công ty dầu khí quốc gia đã áp dụng các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Tôi rất biết ơn vì họ đã bước lên tham gia hành trình thay đổi cuộc chơi này”, ông Jaber nói. “Tuy nhiên, tôi phải nói rằng điều đó là chưa đủ và tôi biết rằng họ có thể làm được nhiều hơn thế”.
Một nhiệm vụ quan trọng khác tại hội nghị thượng đỉnh là các nước sẽ đánh giá tiến bộ của họ trong việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu, chủ yếu là mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C (3,6 độ F).Quá trình này, được gọi là kiểm định toàn cầu, sẽ mang lại một kế hoạch cấp cao cho các quốc gia biết họ cần phải làm gì.