Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội đối diện nhiều lời chỉ trích, chất vấn trên mạng xã hội trong mấy ngày nay sau khi không cho phép nghệ sĩ Phạm Xuân Trường trưng bày 30 tác phẩm trong Triển lãm “Gò đồng chân dung các văn nghệ sĩ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội.
Cuộc triển lãm của tác giả Phạm Xuân Trường, diễn ra từ ngày 2-8/12 với hơn 150 tác phẩm gò đồng được trưng bày, không tính 30 tác phẩm bị kiểm duyệt. Ông Trường được coi là một thi sĩ tài hoa kiêm một nghệ sĩ điêu khắc độc đáo ở Việt Nam.
Công bố trên trang cá nhân hôm 3/12, ông Trường cho hay Sở VH-TT Hà Nội “không cấp phép” cho các tác phẩm thể hiện chân dung của triết gia Trần Đức Thảo, các nhà thơ Lê Đạt, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Nguyễn Duy, các nhà văn Phan Khôi, Tạ Duy Anh, Vũ Thư Hiên, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Lập và nhiều nhân vật có tiếng tăm khác như tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cựu sỹ quan an ninh văn hóa kiêm nhà văn Thái Kế Toại.
Nói với VOA từ Hải Phòng, nghệ sĩ Phạm Xuân Trường nhận xét về quyết định của cơ quan quản lý tại thủ đô Việt Nam:
“Nó chả có gì mà đáng cắt, không cho treo người ta. Tôi không hiểu tại sao Sở VH-TT Hà Nội họ lại cắt như thế. Ví dụ nhà triết học Trần Đức Thảo đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, rồi thì nhà thơ Hoàng Cầm, nhà thơ Lê Đạt, nhà thơ Phùng Quán, nhà thơ Trần Dần… họ đều được chiêu tuyết và cũng đã trao giải thưởng nhà nước cho người ta rồi”.
Theo lời ông Trường thuật lại, phía sở “không đưa ra một lý do gì” khi họ gửi văn bản trả lời cho đơn xin thực hiện cuộc triển lãm của ông, kèm theo danh sách hơn 150 tác phẩm được duyệt và 30 tác phẩm không được cấp phép.
Ông Trường cho biết thêm rằng những tác phẩm bị kiểm duyệt gồm 29 bức chân dung đơn lẻ và 1 bức thể hiện chân dung 4 nhà văn Xuân Khánh, Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn và Phạm Toàn.
“Tôi không hỏi lại lý do vì sao họ cắt. Tôi để lại số người ấy ở Hải Phòng và tôi chở đúng số người được duyệt lên để treo. Không hỏi han gì, nói chung là không thắc mắc, không phản ứng gì với họ cả”, vẫn lời nam nghệ sĩ chia sẻ với VOA.
Việc Sở VH-TT Hà Nội hạn chế số lượng tác phẩm được trưng bày đã được ông Trường, cũng là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam, tâm sự với Phó Chủ tịch hội Trần Đăng Khoa và cựu Chủ tịch hội Hữu Thỉnh. Cả hai ông Khoa và Thỉnh đều “giật mình”, “bàng hoàng không hiểu tại sao”, ông Trường kể lại.
VOA cố gắng liên lạc với Sở VH-TT Hà Nội để tìm hiểu thêm nhưng không có hồi đáp.
Theo quan sát của VOA, rất nhiều người - bao gồm cả các nhà văn, nhà trí thức nổi danh như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Xuân Diện, Mạc Văn Trang, Đoàn Bảo Châu, Trần Thanh Cảnh, v.v… - đã bày tỏ phản ứng trên trang cá nhân về sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý văn hóa tại thủ đô Việt Nam.
Họ bày tỏ nỗi buồn và sự thất vọng vì chân dung của nhiều nhà trí thức, nhà văn, nhà thơ danh giá có những đóng góp lớn cho Việt Nam đã không được treo lên trong cuộc triển lãm của nghệ sĩ Phạm Xuân Trường.
Bên cạnh đó, những người bày tỏ ý kiến còn viết rằng việc làm của Sở VH-TT Hà Nội là “cảm tính”, “nực cười”, “ngu dốt”, “cậy quyền”, “vô văn hóa”, “sỉ nhục văn nghệ sĩ”, “bất chấp pháp luật”, “giẫm đạp lên quyền công dân”, v.v…
Một số người, bao gồm cả chính những người có chân dung không được treo như nhà văn Thái Kế Toại, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, v.v… nêu lên chất vấn vì sao sở không cấp phép cho 30 tác phẩm và căn cứ vào cơ sở pháp lý nào. Họ đòi hỏi phải có đại diện của sở đứng ra công khai giải thích với công chúng.
Cho đến thời điểm bài báo này được đăng, chưa có bất cứ tuyên bố chính thức nào từ Sở VH-TT Hà Nội về vụ việc để phản hồi lại sự phản ứng của nhiều người trong công chúng, theo quan sát của VOA.
Nghệ sĩ Phạm Xuân Trường nói với VOA rằng ông thấy “ấm lòng” về sự ủng hộ của nhiều người, đặc biệt là các văn nghệ sĩ, dành cho ông trên mạng xã hội như đã thấy trong mấy ngày nay:
“Được anh em ủng hộ việc làm đúng đắn của tôi thì trong lòng rất vui bởi vì hầu như đều được mọi người ủng hộ cả”.
Nhận xét chung về không gian tự do sáng tạo ở Việt Nam, ông Trường cho rằng mỗi quốc gia có luật lệ riêng và quan niệm về tự do của mỗi người một khác nhưng Việt Nam “có gì đó chưa được hài lòng với nhiều người”.
Nhà thơ và nghệ sĩ điêu khắc này ghi nhận việc các lãnh đạo hàng đầu của đất nước, gồm cả Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, vào các dịp khác nhau đều đã thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, khích lệ các văn nghệ sĩ sáng tác có trách nhiệm và trung thực với nhân dân và đất nước.