Giáng sinh đã cận kề và năm 2023 chuẩn bị đi qua, nhưng với nhiều gia đình lao động nghèo ở Hà Nội thì năm nay ‘không có Noel hay Tết nhất gì hết’ vì kinh tế ảm đạm, mất việc, và buôn bán ế ẩm.
Cuộc sống khó khăn, một số người đang phải sống nhờ vào sự giúp đỡ từ gia đình ở quê không khác mấy so với thời thủ đô còn bị phong toả bởi đại dịch Covid cách đây 3 năm. Những người mất việc, trở về từ các khu công nghiệp phía Nam, rất ít hy vọng có được việc làm mới và thu nhập ổn định trong năm 2024.
Chị Nguyễn Thị Dương, một người buôn bán thịt heo tại một khu chợ dân sinh ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết nhiều tháng nay gia đình chị rơi vào cảnh túng thiếu, hàng ngày phải ăn thịt ế trừ bữa. Vốn liếng dành dụm sau nhiều năm buôn bán chị đã tiêu sạch trong thời đại dịch Covid. Sau khi mở cửa trở lại cho đến nay, buôn bán ngày một khó khăn hơn.
“Hàng họ ế lắm, chán lắm. Ai ở chợ cũng kêu như là vạc luôn ý. Khách đến chị hỏi xong là cuối cùng lại thôi. Buôn ngày có con lợn thôi mà ngày nào cũng ế nửa con phải xách đi gạ người quen mua giúp. Nói tóm lại rau, thịt, cá tôm cái gì cũng ế cả,” chị Dương than thở.
Theo chị Dương, mọi chuyện bắt nguồn từ tình trạng ảm đạm chung của nền kinh tế sau đại dịch. Phần lớn các gia đình đã tiêu hết tiền tiết kiệm trong thời gian phong tỏa chống dịch kéo dài. Công nhân mất việc nhiều, bất động sản ế ẩm…dẫn đến người người, nhà nhà phải thắt chặt chi tiêu tối đa. Chị Dương cho biết thêm, cuộc sống của gia đình chị hiện phải dựa vào nguồn trợ cấp tật nguyền của cậu con út và sự giúp đỡ của gia đình từ quê gửi ra.
“Tom nó không làm gì được nên phải có người trông nữa. Thì cả hai mẹ con được 1,2 triệu đồng/tháng. Còn gạo hay thịt gà, các thứ khác thì mẹ mình lại gửi ở quê lên giúp. Ngoài ra, các em cũng thỉnh thoảng giúp cho một ít tiền nữa,” chị Dương nói và lo lắng rằng nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì đến gia đình có nhiều người thân ở quê như chị cũng không thể giúp đỡ được mãi vì mọi người cũng không dư dả gì.
Anh Nguyễn Thanh Yên là một công nhân làm việc trong lĩnh vực gia công đồ may mặc xuất khẩu ở phía Nam. Năm nay, anh về quê nhà Sóc Sơn ăn Tết sớm với gia đình từ giữa tháng 12 vì mất việc. Anh nói chỉ còn cách về quê sớm vì ở lại các khu nhà trọ gần nơi làm việc sẽ vừa tốn tiền thuê trọ, lại còn phải lo tiền ăn uống và chi tiêu cá nhân. Anh đã cố trụ lại chờ việc suốt 6 tháng qua, giờ tiền tiết kiệm đã tiêu sạch. Về quê ít nhất không mất tiền trọ, gia đình có gì ăn nấy, ít nhất cũng cầm cự thêm nửa năm để chờ cơ hội mới, anh nói.
Anh Yên cho biết trong hoàn cảnh đó, gia đình anh và rất nhiều gia đình khác nơi anh sinh sống đều chọn phương án thắt lưng buộc bụng tối đa trong dịp Noel và Tết vì ‘mất việc, tiền không có thì vui vẻ gì mà đón Noel và đón Tết’.
“Người ta cũng làm gì có tiền đâu mà người ta mua bán trang trí nhà cửa gì nữa. Những cái đó kiểu như giờ nó cũng hơi phù phiếm nên người ta có trang trí gì đâu. Chỉ còn giới trẻ là thích nhưng người chi tiền lại là người lớn mà người lớn thì có tiền đâu mà người ta chi,” anh Yên nói thêm.
Vẫn theo lời anh, không khí Noel tại thị xã nơi anh sống dù có nhà thờ và một vài xóm đạo nhưng rất ảm đạm, yên ắng.
Anh Nguyễn Thành Minh, nhân viên bán hàng cho một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, cho biết mấy tháng nay anh đã chạy đôn chạy đáo khắp các địa phương khu vực phía Bắc để bán hàng mong sao đủ doanh số cuối năm để được thưởng Tết. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa đạt nổi nửa doanh số, cũng đồng nghĩa đây sẽ là một dịp Noel và Tết đói kém của gia đình.
“Thế này thì làm gì có tiền tiêu Tết. Đói dài ra rồi. Làm gì có Tết đâu. Năm nay nói tóm lại là mất Tết rồi. Bây giờ dân hết tiền rồi. Bất động sản chết, chứng khoán chết, nhà hàng chết, chợ búa cũng chết. Các nhà hàng thì ngồi vêu hết cả,” anh Minh chia sẻ thêm về tình hình ảm đạm của hầu hết các lĩnh vực kinh doanh hiện nay và dự đoán tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài trong năm tới.
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt trên 5%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu từ 6%-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, theo báo nhà nước.
Còn Ngân hàng Thế giới thì dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay là 4,7%, sau đó sẽ tăng lên 5,5% năm sau và 6% vào năm 2025. Nguyên nhân cho tình trạng suy giảm tăng trưởng đáng kể so với mức 8% của năm 2022, theo Ngân hàng Thế giới, là do môi trường bên ngoài khó khăn và nhu cầu trong nước yếu; và đầu tư công sẽ là một nguồn lực quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới đây.