Hiệp hội các nhà chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA) hôm 21/12 kêu gọi Bộ Thương mại nước này duy trì tình trạng “nền kinh tế phi thị trường” của Việt Nam trong các thủ tục chống bán phá giá, giữa bối cảnh Hà Nội đang thúc giục Washington sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Kể từ sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9, chính quyền Hà Nội liên tục thúc giục Mỹ sớm công nhận quy chế “kinh tế thị trường” của Việt Nam. Trong cuộc gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo tại Washington vào ngày 19/9 bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đưa ra đề nghị trên và kêu gọi khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ làm ăn kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Trong buổi tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) hôm 7/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam cũng đề nghị SIA thúc đẩy để Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và loại bỏ các biện pháp kiểm soát mà ông nói là “không cần thiết” trong việc chuyển giao công nghệ.
Trong thông cáo báo chí hôm 21/12, ASPA cho biết vào ngày 30/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, đã khởi xướng đánh giá những tình huống thay đổi để xác định xem liệu có nên chuyển Việt Nam sang nền kinh tế thị trường hay không.
Nếu Bộ Thương mại chấp thuận yêu cầu của Việt Nam, cơ quan này sẽ phải sử dụng dữ liệu về chi phí và doanh thu của các nhà sản xuất Việt Nam để tính toán chống bán phá giá, “mặc dù chi phí và giá cả đó vẫn bị bóp méo nặng nề do sự can thiệp của chính phủ”, thông cáo của ASPA nói, và cho biết thêm rằng những can thiệp này tác động đến tỷ giá hối đoái, tín dụng, tiền lương, giá đất và nhiều thứ khác.
“Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì quyền coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường để có thể nhận được sự trợ giúp đáng kể từ việc tôm bị bán phá giá một cách không công bằng tại thị trường Mỹ”, Chủ tịch ASPA, Trey Pearson, nói trong thông cáo. “Việc sớm cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam bất chấp những thông tin không chính xác của chính phủ sẽ làm suy yếu đáng kể giá trị của lệnh chống bán phá giá mà ngành công nghiệp của chúng ta đã nỗ lực đạt được và duy trì trong gần 20 năm qua”.
Việt Nam là nguồn nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Mỹ trong năm 2022, trị giá gần 687 triệu USD. Đầu năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ xác định rằng việc thu hồi lệnh chống bán phá giá đối với Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho ngành tôm nội địa vốn đã dễ bị tổn thương. Ngoài ra, trong đơn kiến nghị ASPA nộp vào tháng 10 năm nay, ASPA ghi nhận 40 chương trình trợ cấp khác nhau của chính phủ mang lại lợi ích cho người sản xuất tôm ở Việt Nam.
“Nền kinh tế Việt Nam không vận hành theo nguyên tắc thị trường, gây tổn hại trực tiếp cho người sản xuất tôm trong nước”, ông Pearson nói. “Việc chấp nhận yêu cầu của Việt Nam sẽ chỉ gây tổn hại cho các ngành công nghiệp trong nước, bao gồm nhiều doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu gia đình trong ngành tôm vùng Vịnh vốn dựa vào việc thực thi thương mại mạnh mẽ để cạnh tranh”.