Điểm lại những thành tựu quan trọng trong năm 2023 của mối quan hệ Việt – Trung, Công sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn với tờ Hoàn Cầu Thời Báo nói tranh chấp Biển Đông không ảnh hưởng tới việc hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Biển Đông lại có quan điểm trái chiều và cho rằng Việt Nam “không có sự lựa chọn” nên luôn phải tìm cách duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc.
“Hai bên đã đạt được nhận thức chung, kiểm soát tốt sự bất đồng trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó baco gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”, cả Hoàn Cầu Thời Báo và TTXVN đều dẫn lời Công sứ Ninh Thành Công nói trong buổi “Gặp gỡ báo chí Việt Nam – Trung Quốc” cuối cùng của năm 2023 tại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết thêm rằng “Ông Ninh nhấn mạnh các vấn đề trên biển [tranh chấp Biển Đông] không ảnh hưởng tới hợp tác giữa hai nước và hai bên cần giải quyết những khác biệt thông qua đàm phán hữu nghị”.
Theo lời nhà ngoại giao Việt Nam, mối quan hệ Việt – Trung hiện nay đang ở mức cao nhất trong lịch sử và vẫn còn tiềm năng và không gian lớn để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên, vẫn theo Hoàn Cầu Thời Báo.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp yêu cầu bình luận và xác minh thông tin của VOA.
Năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, mức quan hệ cao nhất mà Hà Nội và Washington chỉ mới đạt được vào tháng 9 vừa qua trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Mối quan hệ này tiếp tục được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “nâng lên một tầm cao mới” trong chuyến công du Việt Nam vào tháng trước, chỉ 3 tháng sau khi nhà lãnh đạo Mỹ rời khỏi Hà Nội, khiến giới nghiên cứu và quan sát cho rằng hai cường quốc đối đầu đang nỗ lực tranh giành ảnh hưởng trên Việt Nam, quốc gia có vị trí địa chính trị rất quan trọng trong khu vực Biển Đông chiến lược và trong khu vực châu Á nói chung.
“Việt Nam luôn tìm cách duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc. Họ không có sự lựa chọn do vị trí địa lý của mình. Vì vậy, tất nhiên các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tìm cách giữ cho những bất đồng được yên ổn và mối quan hệ ổn định”, chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, đưa ra nhận định với VOA.
“Nhưng điều đó không có nghĩa là Hà Nội không kiên định với quyền lợi của mình ở Biển Đông, và tất nhiên căng thẳng trên biển sẽ tiếp tục hạn chế hợp tác Trung-Việt”, nhà nghiên cứu của Mỹ nói khi được hỏi về tác động của vấn đề tranh chấp Biển Đông đối với việc hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Về quan hệ kinh tế, Trung Quốc năm qua tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.
Tại cuộc họp báo, Công sứ Việt Nam dẫn số liệu kim ngạch thương mại trong 11 tháng đầu năm 2023 giữa hai nước đạt 202,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, và nói rằng: “Nhiều người không ngờ Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc, cùng với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản”, vẫn theo Hoàn Cầu Thời Báo.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Greg Poling, những thành tựu được hai bên ca ngợi không khỏa lấp được những lo ngại của công chúng và cả giới lãnh đạo Việt Nam về “mối đe dọa tiềm tàng” từ lối hành xử của quốc gia láng giềng khổng lồ trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại cho đến những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Ông Poling nói: “Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn góp phần khiến công chúng và giới tinh hoa Việt Nam hiểu rằng Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng, và đánh giá về mối đe dọa đó phù hợp với đánh giá của Hoa Kỳ và nhiều đồng minh của Việt Nam. Điều này cũng đúng với lịch sử cưỡng bức về kinh tế của Trung Quốc, khiến Việt Nam lo ngại rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế sẽ trở thành một mối đe dọa tiềm tàng”.
Theo chuyên gia Mỹ, chính những lo ngại trên đã “thúc đẩy Việt Nam tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và các đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm duy trì khoảng cách chiến lược an toàn với Trung Quốc và đảm bảo độc lập, an ninh của Việt Nam”.
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, trong một bài phân tích đăng trên trang web của Viện Hòa Bình của Mỹ, cho rằng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung mang lại cho Việt Nam cũng như các thành viên ASEAN cơ hội đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, giảm phụ thuộc vào nước khác và duy trì tự chủ chiến lược nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức hơn trong việc “quản lý quan hệ với các cường quốc”.
“Ví dụ, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn thúc đẩy hợp tác với một cường quốc mà không gây ra nghi ngờ nhất định từ cường quốc khác”, chuyên gia của Việt Nam nêu vấn đề, và cho rằng chính sách “làm bạn với tất cả các nước” của Việt Nam thậm chí còn khó hiện thực hóa hơn khi các nước lớn ngày càng bất hòa.
Cũng vì những lý do trên, theo chuyên gia Greg Poling, chuyện Hà Nội đồng ý “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc”, một khái niệm gây tranh cãi và vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ công luận, trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là một kết quả hiển nhiên vì nó “mang lại cho Trung Quốc một chiến thắng ngoại giao mà không khiến Việt Nam phải trả giá gì cả”.
“Đó là một lựa chọn chiến lược rõ ràng để xoa dịu Bắc Kinh trong khi tích cực theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington, Tokyo, Canberra và các nước khác”, chuyên gia của Mỹ nói thêm.