Năm ngoái là năm nóng nhất hành tinh được ghi nhận với mức chênh lệch đáng kể và có thể là năm ấm nhất trong 100.000 năm qua, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu cho biết hôm thứ Ba 9/1.
Các nhà khoa học đã tiên liệu về cột mốc quan trọng này sau khi các kỷ lục về khí hậu liên tục bị phá vỡ. Kể từ tháng 6/2023, tháng nào cũng là tháng nóng nhất thế giới được ghi nhận so với tháng tương ứng của những năm trước.
C3S xác nhận năm 2023 là năm nóng nhất trong các kỷ lục nhiệt độ toàn cầu kể từ năm 1850. Khi đối chiếu với các hồ sơ dữ liệu khí hậu học cổ từ các nguồn như vòng tròn thân cây và bọt khí trong sông băng, Giám đốc C3S Carlo Buontempo cho biết đây “rất có thể” là năm ấm nhất trong 100.000 năm qua.
Trung bình, trong năm 2023, hành tinh này ấm hơn 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900, khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch ở quy mô công nghiệp, bơm carbon dioxide vào khí quyển.
Trong Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia đã đồng ý nỗ lực trong việc ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5C (2,7 độ F), nhằm tránh những hậu quả nghiêm trọng nhất.
Thế giới vẫn chưa vi phạm mục tiêu này, nghĩa là nhiệt độ trung bình toàn cầu là 1,5 độ C trong nhiều thập niên, nhưng C3S nói rằng nhiệt độ đã vượt quá mức trong gần nửa số ngày của năm 2023, đặt ra “một tiền lệ nghiêm trọng”.
Kỷ lục khí thải
Bất chấp việc các chính phủ và các công ty nâng cao thêm các mục tiêu về khí hậu, lượng khí thải CO2 vẫn ở mức cao. Lượng khí thải CO2 của thế giới từ việc đốt than, dầu và khí đốt đạt mức kỷ lục vào năm 2023.
C3S cho hay năm ngoái, nồng độ CO2 trong khí quyển đã tăng lên mức cao nhất được ghi nhận, là 419 phần triệu.
Đây cũng là năm đầu tiên nhiệt độ mỗi ngày nóng hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Lần đầu tiên, có hai ngày - cả hai đều vào tháng 11 - ấm hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, C3S nói.
Ông Buontempo cho hay năm ngoái nóng hơn 0,17 độ C so với năm 2016, năm nóng nhất trước đó, phá kỷ lục với mức chênh lệch “đáng chú ý”.
Cùng với biến đổi khí hậu do con người gây ra, vào năm 2023, nhiệt độ còn tăng cao do hiện tượng thời tiết El Nino, làm ấm vùng nước bề mặt ở phía đông Thái Bình Dương và góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu.
Mỗi phần nhiệt độ tăng lên đều làm trầm trọng thêm những thảm họa thời tiết cực đoan và có sức tàn phá. Vào năm 2023, hành tinh nóng hơn đã làm trầm trọng thêm các đợt nắng nóng chết người từ Trung Quốc đến châu Âu, mưa cực lớn gây lũ lụt giết chết hàng ngàn người ở Libya và mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử ở Canada.
Hậu quả kinh tế của biến đổi khí hậu cũng ngày càng leo thang. Dữ liệu của Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia cho thấy Hoa Kỳ đã hứng chịu ít nhất 25 thảm họa về khí hậu và thời tiết với thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD. Hạn hán kéo dài cũng tàn phá cây đậu tương ở Argentina và lúa mì ở Tây Ban Nha.