Iraq muốn các lực lượng quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo rút đi nhanh chóng và có trật tự khỏi lãnh thổ của mình nhưng chưa đặt ra thời hạn, Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani nói, mô tả sự hiện diện của các lực lượng này gây ra bất ổn giữa bối cảnh cuộc chiến Gaza lan tỏa trong khu vực.
Lời kêu gọi lâu nay của hầu hết các nhánh Hồi giáo Shi’ite, trong đó có nhiều nhóm thân Iran, về việc rút quân liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo càng trở nên mạnh mẽ sau một loạt cuộc tấn công của Mỹ vào các nhóm chiến binh liên hệ với Iran, cũng là một phần của lực lượng an ninh chính thức của Iraq.
Những cuộc tấn công này nhằm đáp trả hàng chục đòn đánh bằng thiết bị không người lái và tên lửa nhắm vào lực lượng Mỹ kể từ khi Israel phát động cuộc chiến ở dải Gaza, làm dấy lên lo ngại rằng Iraq một lần nữa có thể trở thành đấu trường cho xung đột khu vực.
Ông Sudani nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn ở Baghdad hôm 9/1: “Cần phải sắp xếp lại mối quan hệ này để nó không trở thành mục tiêu hay biện minh cho bất kỳ bên nào, trong hay ngoài nước, nhằm phá hoại sự ổn định ở Iraq và khu vực”.
Đưa ra những chi tiết đầu tiên trong ý tưởng về tương lai của liên minh kể từ thông báo hôm 5/1 rằng Iraq sẽ bắt đầu quá trình khép lại hoạt động của liên minh, ông Sudani nói việc rút quân nên được đàm phán theo “một quá trình thông hiểu và đối thoại”.
“Chúng ta hãy cũng đồng ý về khung thời gian (cho sự rút lui của liên minh), một cách trung thực và nhanh chóng, để họ không ở đây lâu cũng như không tiếp tục xảy ra các cuộc tấn công”, ông Sudani nói, đồng thời lưu ý rằng chỉ khi Israel chấm dứt chiến tranh ở Gaza thì mới có thể ngăn chặn nguy cơ leo thang trong khu vực.
“(Kết thúc chiến tranh ở Gaza) là giải pháp duy nhất. Nếu không, chúng ta sẽ thấy đấu trường xung đột ngày càng mở rộng ở một khu vực nhạy cảm đối với thế giới, nơi nắm giữ phần lớn nguồn cung cấp năng lượng”, ông Sudani nói.
Việc Mỹ rút quân có thể sẽ làm tăng mối lo ngại ở Washington về ảnh hưởng của kẻ thù lâu năm là Iran đối với giới cầm quyền ở Iraq. Các nhóm Shi’ite được Iran hậu thuẫn đã mạnh lên ở Iraq sau cuộc xâm chiếm do Mỹ dẫn đầu năm 2003.
Lầu Năm Góc hôm 8/1 nói rằng họ không có kế hoạch rút quân đội Mỹ về nước, vốn đang hiện diện ở Iraq theo lời mời của chính phủ nước này.
Iraq, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC, là một trong những nước chỉ trích gay gắt nhất chiến dịch Gaza của Israel, mô tả vụ giết hại hàng loạt và buộc thường dân Palestine di dời là một trường hợp diệt chủng điển hình, trong khi Israel kịch liệt phủ nhận cáo buộc này.
Tuy nhiên, chính phủ Iraq cũng nhiều lần nói các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang nhắm vào lực lượng nước ngoài và cơ quan ngoại giao ở Iraq là bất hợp pháp và đi ngược lại lợi ích của đất nước, đồng thời cho hay họ đã bắt giữ một số thủ phạm và ngăn chặn các cuộc tấn công.
Bên cạnh đó, Baghdad lên án các cuộc tấn công của Mỹ vào các căn cứ được các nhóm trên sử dụng, cũng như cuộc tấn công gần đây nhắm vào một chỉ huy dân quân cấp cao ở trung tâm Baghdad, là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền.
Những người chỉ trích cho rằng các nhóm vũ trang, bao gồm Kataeb Hezbollah và Haraket Hezbollah al-Nujaba, sử dụng tư cách là thành viên của Lực lượng Tổng động viên (PMF) làm vỏ bọc. Đây là một lực lượng an ninh nhà nước vốn ban đầu là một nhóm dân quân được hình thành vào năm 2014.
Khi tấn công lực lượng Hoa Kỳ, họ hoạt động bên ngoài cơ quan chỉ huy, dưới ngọn cờ của Cuộc kháng chiến Hồi giáo ở Iraq. Nhưng khi Hoa Kỳ trả đũa, họ kêu than về những mất mát của mình với tư cách là thành viên của PMF và ngày càng gặt hái thành công trong việc tạo ra tâm lý chống Mỹ.
Các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo đã chiếm Iraq và lật đổ cựu lãnh đạo Saddam Hussein vào năm 2003 rồi rút quân vào năm 2011, nhưng sau đó quay trở lại năm 2014 để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo như một phần của liên minh quốc tế. Mỹ hiện có khoảng 2.500 quân ở Iraq.
Với việc Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại về mặt lãnh thổ vào năm 2017 và sự sụp đổ kể từ đó, ông Sudani nói lý do hiện diện của liên minh đã kết thúc từ lâu.