Cuộc tấn công của Iran vào Pakistan trong tuần này đã gây ra sự đáp trả quân sự nhanh chóng và làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn lớn hơn trong khu vực, được thúc đẩy bởi những nỗ lực của Iran nhằm củng cố an ninh nội bộ thay vì tham vọng ở Trung Đông, theo ba quan chức Iran, một người trong nội bộ và một nhà phân tích nói với Reuters.
Hai nhà phân tích và hai trong số các quan chức này cho biết cả hai nước láng giềng được trang bị vũ khí hạng nặng, thường xuyên xảy ra bất ổn ở biên giới, dường như muốn cố gắng kiềm chế những căng thẳng do các cuộc xâm nhập xuyên biên giới nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây.
Iran đã gây chấn động khắp khu vực hôm 16/1 bằng một cuộc tấn công tên lửa nhằm mục tiêu mà họ mô tả là phiến quân Hồi giáo Sunni cứng rắn ở tây nam Pakistan. Hai ngày sau, Pakistan đã tấn công để trả đũa những người mà họ cho là phiến quân ly khai ở Iran. Đây là cuộc không kích đầu tiên của chiến đấu cơ trên đất Iran kể từ cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988.
Cuộc tấn công hôm 16/1 là một trong những cuộc tấn công xuyên biên giới mạnh mẽ nhất của Iran nhằm vào nhóm chiến binh Sunni Jaish al-Adl ở Pakistan, nhóm mà Iran cho rằng có liên kết với Nhà nước Hồi giáo. Nhiều thành viên của Jaish trước đây thuộc nhóm chiến binh Jundallah. Nhóm này hiện đã không còn tồn tại và họ từng cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo.
Động thái này làm tăng thêm lo ngại về tình trạng bất ổn ở Trung Đông, vốn đã lan rộng kể từ khi cuộc chiến Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10. Lực lượng dân quân đồng minh của Iran từ Yemen đến Lebanon đã tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Mỹ và Israel, bao gồm cả hoạt động vận chuyển hàng hải trên Biển Đỏ, để bày tỏ sự cảm thông với người Palestine ở Gaza.
Cuộc tấn công diễn ra một ngày sau khi Iran tiến hành các cuộc tấn công ở Iraq và Syria. Iran nói các cuộc tấn công lần lượt nhắm vào các hoạt động gián điệp của Israel và Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, đòn ăn miếng trả miếng giữa Iran và Pakistan xảy ra rất xa khu vực chiến tranh, tại những vùng biên giới xa xôi, nơi các nhóm ly khai và phiến quân Hồi giáo từ lâu đã thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu của chính phủ, và các quan chức ở Pakistan và Iran thường cáo buộc nhau đồng lõa trong các vụ gây đổ máu.
Gregory Brew, nhà phân tích tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro quốc tế, nói các cuộc tấn công của Tehran phần lớn là do mối lo ngại ngày càng tăng của Iran về mối đe dọa bạo lực dân quân trong nước sau vụ đánh bom chết người ngày 3/1 do nhóm Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm.
“Có rất nhiều áp lực trong nước buộc phải ‘làm điều gì đó’ và giới lãnh đạo đang đáp lại áp lực đó,” ông Brew nói.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran và Pakistan chưa đưa ra bình luận với Reuters.
Bộ trưởng thông tin Pakistan cho biết các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự hàng đầu của nước này sẽ tiến hành đánh giá an ninh vào ngày 19/1 về tình trạng bế tắc.
Pakistan đã triệu hồi đại sứ của mình từ Iran để phản đối vụ tấn công hôm 16/1. Về phần mình, Tehran lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Pakistan hôm 18/1, nói rằng nhiều thường dân đã thiệt mạng và triệu tập nhà ngoại giao cấp cao nhất của Pakistan ở Iran để đưa ra lời giải thích.
Nhưng trong các tuyên bố của mình, cả hai chính phủ đều không tìm cách liên hệ với cuộc chiến ở Gaza hoặc với các cuộc tấn công do mạng lưới dân quân Ả Rập liên minh với Iran từ Địa Trung Hải đến vùng Vịnh thực hiện nhằm hỗ trợ người Palestine.
Iran đã gây sức ép với Islamabad trong nhiều năm để giải quyết sự hiện diện của phiến quân gần biên giới nước này, theo ông Brew. Nhà phân tích tại Eurasia Group cho rằng, các cuộc tấn công tên lửa là dấu hiệu cho thấy Tehran đã mất kiên nhẫn.
Iran chắc chắn sẽ tiếp tục coi vai trò và ảnh hưởng của mình ở Trung Đông là trung tâm cho các mục tiêu an ninh của mình.
Ông Brew nói rằng cuộc tấn công của Iran vào Pakistan cũng nhằm thể hiện quyết tâm của nước này, với cả kẻ thù và đồng minh, để tự vệ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khu vực ở Gaza.
Còn theo ông Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington của Mỹ, căng thẳng song phương về an ninh biên giới là vấn đề lâu dài giữa Iran và Pakistan.
Ông Kigelman cho rằng sẽ khó giảm được việc leo thang trước mắt, "do đang có căng thẳng và nhiệt độ cao".
Tuy nhiên, không nước nào có vẻ sẵn sàng cho xung đột. Trong các tuyên bố công khai, cả hai nước đều nhận thấy các cuộc tấn công của họ không nhằm vào công dân của nhau và ra tín hiệu rằng họ không muốn leo thang căng thẳng.
Theo ông Kugelman, cả hai nước có thể hoan nghênh đối thoại song phương và khả năng hòa giải của bên thứ ba từ một quốc gia như Trung Quốc, nước vốn có quan hệ tốt và có đòn bẩy với cả hai nước. Ông nói: “Ngoại giao sẽ rất quan trọng kể từ đây trở đi.”