Một thuyền trưởng tàu đánh cá Philippines hôm 23/1 đã phản đối hành động gây hấn của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông đang tranh chấp. Ông nói hải cảnh Trung Quốc đã đuổi ông và các thuyền viên của ông ra khỏi bãi cạn tranh chấp và ra lệnh cho họ thả xuống biển những sản phẩm đã đánh bắt.
Cuộc đối đầu trực tiếp diễn ra vào ngày 12/1 nhưng ngư dân Philippines Joely Saligan và thuyền viên của ông sau này mới báo cáo lại cho lực lượng tuần duyên Manila khi trở về sau chuyến đi biển. Vụ việc đang thử thách những nỗ lực của Trung Quốc và Philippines nhằm giảm căng thẳng tại một điểm nóng tiềm tàng ở châu Á.
Tại cuộc họp ngày 17/1 ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Manila đã đồng ý thực hiện các bước nhằm giảm bớt căng thẳng sau một năm xảy ra các cuộc đối đầu về lãnh thổ trên biển giữa các tàu của họ trên tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới. Sự thù địch đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang lớn có thể liên quan đến Washington, đồng minh hiệp ước lâu năm của Manila.
Các ngư dân, do ông Saligan dẫn đầu, đã báo cáo với lực lượng tuần duyên Philippines rằng lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã đuổi họ ra khỏi Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ở ngoài khơi phía tây bắc Philippines vào ngày 12/1 và ra lệnh cho họ thả cá và sò đã đánh bắt được xuống biển.
Cuộc đối đầu xảy ra trên một mỏm san hô nhô ra khỏi biển giống như một hòn đảo nhỏ khi thủy triều xuống. Ông Saligan và người của ông đã lấy một chiếc xuồng ba lá từ thuyền mẹ của họ để đi lượm vỏ sò và cá làm thức ăn trong chuyến hành trình trên biển. Tuy nhiên, 5 hải cảnh Trung Quốc, trong đó có 3 người được trang bị dùi cui thép, đã đi thuyền theo xuống đảo và ra lệnh cho ngư dân rời đi.
Một nhân viên hải cảnh Trung Quốc định tịch thu điện thoại di động của một ngư dân Philippines nhưng người này chống cự bằng cách đẩy tay viên chức này ra. Ông Saligan cho biết cả hai bên đều ghi lại cuộc đối đầu bằng máy quay video hoặc điện thoại di động.
“Đây là lãnh thổ của Philippines. Hãy cút đi!”, ông Saligan cho biết ông đã nói với lực lượng hải cảnh Trung Quốc như vậy và quả quyết rằng họ rời khỏi bãi cạn ngay lập tức. Ông nói người Trung Quốc không nói gì và ra dấu bằng tay.
“Họ trông có vẻ giận dữ. Họ muốn chúng tôi thả sản phẩm đánh bắt được về biển”, ông Saligan nói với một nhóm nhỏ các nhà báo, bao gồm cả hãng thông tấn AP, ở Manila. “Điều đó thật vô nhân đạo vì đó là thực phẩm mà con người không nên bị tước đoạt”.
Ông Saligan cho biết ông quyết định vứt một số vỏ sò và cá mới lượm được xuống biển rồi dùng thuyền quay trở lại tàu mẹ của mình, chiếc F/V Vhrayle, để ngăn tranh chấp leo thang.
Các quan chức Trung Quốc không bình luận ngay lập tức về những điều ông Saligan kể. Tuy nhiên, trong các tranh chấp trước đây về Bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã khẳng định chủ quyền của Trung Quốc và quyền bảo vệ đảo san hô giàu dinh dưỡng này khỏi bị xâm lấn.
Người phát ngôn lực lượng tuần duyên Philippines Commodore Jay Tarriela cho biết những lời khai bằng văn bản và video do ông Saligan và người của ông cung cấp đã được lực lượng bảo tuần duyên xác nhận là chính xác.
Một báo cáo sẽ được đệ trình lên một nhóm liên ngành của chính phủ đang giải quyết các tranh chấp lãnh thổ vốn âm ỉ kéo dài để có những hành động khả thi, bao gồm cả việc trình kháng thư mới chống lại Trung Quốc.
“Những hành động đó thực sự bất hợp pháp, và hành vi quấy rối mà họ gây ra với ngư dân Philippines của chúng tôi là không thể chấp nhận được,” ông Tarriela nói trong một cuộc họp báo.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines hôm 22/1 nói rằng Philippines lên án “hành động khiêu khích” mới nhất của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đối với ngư dân Philippines, theo Reuters.
Hãng tin Anh cho biết rằng ông Jonathan Malaya, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, đã đề cập đến báo cáo của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines hồi cuối tuần về sự cố ngày 12/1, trong đó lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã chỉ đạo ngư dân trả lại vỏ sò thu được gần Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp, sau đó đuổi họ đi.
Theo ông Tarriela, lực lượng tuần duyên Philippines vẫn tự tin rằng thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines nhằm giảm căng thẳng sẽ “có tác động tích cực” và thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp sôi sục kéo dài.
Các tàu hải cảnh của Trung Quốc và Philippines đã tham gia vào một loạt các hành động thù địch căng thẳng đáng báo động vào năm ngoái, chủ yếu ở ngoài khơi Bãi Cỏ Mây, một khu vực tranh chấp nóng bỏng khác ở Biển Đông.
Chính phủ Philippines liên tục phản đối việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng, tia laser cấp quân sự và các hoạt động ngăn chặn nguy hiểm gây ra những va chạm nhỏ ngoài bãi cạn do Philippines chiếm đóng.
Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng họ có nghĩa vụ phải bảo vệ Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á, nếu lực lượng, tàu và máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang, kể cả ở Biển Đông.
Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về những tình huống không cụ thể nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục can thiệp vào tranh chấp.