Trung Quốc hôm thứ Năm chỉ trích Hoa Kỳ đã gây “rắc rối và khiêu khích” sau khi hải quân Mỹ đưa tàu chiến của họ đi qua khu vực eo biển Đài Loan nhạy cảm lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trên hòn đảo.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là của họ và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này về dưới sự kiểm soát của mình. Đài Loan nói chỉ người dân trên đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Ngô Khiêm, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng tháng: “Tàu chiến và máy bay Mỹ đã gây rắc rối và khiêu khích ngay trước mặt Trung Quốc, đồng thời thực hiện các hoạt động quy mô lớn, tần suất cao ở vùng biển và vùng trời xung quanh Trung Quốc”.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu khu trục USS John Finn đã đi qua một hành lang ở eo biển Đài Loan “ngoài lãnh hải của bất kỳ quốc gia ven biển nào”.
Ông Ngô nói phản ứng của Trung Quốc trong việc xua đuổi con tàu là “chính đáng, hợp lý, chuyên nghiệp và kiềm chế”.
Ông Ngô nói thêm rằng quân đội Trung Quốc sẽ “tiếp tục tổ chức các hoạt động quân sự có liên quan” quanh eo biển Đài Loan một cách thường xuyên như một phần của quá trình huấn luyện, trong khi các nhà phân tích dự đoán sẽ có các cuộc tập trận thường xuyên trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) vào tháng 5.
Khi được hỏi về cuộc gặp tiềm năng giữa Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm của Trung Quốc Đổng Quân và người đồng cấp Mỹ, ông Ngô nói Trung Quốc “thể hiện thái độ cởi mở đối với các cuộc đối thoại song phương ở mọi cấp độ”, nhưng ông không xác nhận bất kỳ cuộc gặp nào.
Quân đội Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức hai ngày đàm phán tại Washington hồi đầu tháng này sau khi cả hai nối lại liên lạc quân sự cấp cao vào mùa thu năm ngoái. Các quan chức Lầu Năm Góc nói liên lạc giữa quân đội hai nước là chìa khóa để ngăn chặn những tính toán sai lầm dẫn đến xung đột.
Ngoài ra, về kế hoạch của Philippines nhằm tăng cường xây dựng trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, ông Ngô cáo buộc Manila “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và thực hiện các hành động khiêu khích ở Biển Đông” trong khi “cấu kết với các cường quốc bên ngoài”.
Về tranh chấp biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, ông Ngô nói rằng căng thẳng biên giới là “vấn đề còn sót lại từ lịch sử chứ không phải toàn bộ quan hệ Trung-Ấn”, đồng thời cho rằng việc New Delhi liên kết vấn đề này với quan hệ song phương là “không khôn ngoan và không phù hợp”.
Một quan chức cấp cao của Ấn Độ nói với Reuters trong tháng này rằng Ấn Độ có thể giảm bớt sự giám sát chặt chẽ đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc nếu biên giới hai nước vẫn hòa bình, tín hiệu đầu tiên cho thấy các biện pháp hạn chế kéo dài 4 năm có thể được dỡ bỏ.
Trung Quốc cũng phủ nhận việc cung cấp bất kỳ vũ khí hoặc thiết bị nào cho cuộc xung đột ở Trung Đông, sau khi có báo cáo cho biết quân đội Israel đã phát hiện chiến binh Hamas sử dụng vũ khí do Trung Quốc sản xuất ở Dải Gaza.