Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế lớn thứ nhì của cả nước, từ mấy tháng trở lại đây chứng kiến tình trạng mặt bằng cho thuê tại các khu phố trung tâm, vốn rất đắt đỏ và nhộn nhịp xưa nay, bỗng trở lên vắng vẻ tiêu điều. Biển quảng cáo tìm người thuê mặt bằng treo khắp mặt tiền rất nhiều căn nhà trên các con phố như Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học, Phùng Hưng…
Các chủ mặt bằng này vốn trước đây “hốt bạc” nhờ tiền cho thuê nhiều khi lên tới hàng trăm triệu đồng một tháng, giờ “méo mặt” vì không tìm ra người thuê trong khi số tiền đầu tư để mua những mặt bằng trung tâm này thường trên chục tỉ.
Anh N.V.A, một chủ mặt bằng cho thuê ở quận Hoàn Kiếm, cho biết mấy tháng nay căn nhà mặt tiền của anh trên phố Phùng Hưng đã bị trả lại mà không thể tìm được người thuê mới. Sau dịch COVID anh những mong đời sống kinh tế và kinh doanh khấm khá lên để có thể tăng giá thuê lên một chút.
“Tăng lên 32 triệu đồng/tháng người ta không đàm phán được thì người ta chuyển đi chỗ khác. Sau đó thì cho thuê được 6 tháng là người ta không trụ được rồi trả mặt bằng và từ đó là không cho thuê được nữa. Tôi đã phải giảm giá tới 50% rồi mà vẫn không có người thuê, chứ không phải chuyện đơn giản đâu,” anh A cho VOA biết.
Cùng chung hoàn cảnh là anh T.Q.D, một chủ cho thuê mặt bằng cũng tại quận Hoàn Kiếm. Anh cho biết mặt bằng cho thuê của anh vốn từ nhiều năm nay được một chủ tiệm cắt tóc thời trang nữ thuê lại với giá khá cao. Nhưng đến thời điểm giáp Tết này, sau nhiều tháng gắng gượng, chủ tiệm đã thông báo trả mặt bằng. Anh D muốn cầm chân họ với mức giá cũng giảm tới 50%, mà theo anh là giới hạn cuối cùng so với số tiền anh đã bỏ ra để đầu tư mua lại mặt bằng này, mà vẫn không thành công.
“Cái nhà mặt phố đầu tư vào mua mất mấy chục tỉ mà cho thuê 5 – 7 triệu đồng/tháng thì không được. Bắt buộc phải cho thuê cao thì mới bù đắp được. Ít nhất thì cũng phải hơn lãi suất ngân hàng chứ,” anh D nói.
Anh D cho hay chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phân khúc mặt bằng cho thuê tại những khu vực trung tâm, còn mặt bằng cho thuê tại những quận xa hơn, vốn không sầm uất thì còn tạm ổn.
“10 – 20 triệu/tháng thì người ta dễ thuê. Chứ cái nhà mà thuê khoảng từ 3.000 đô la/tháng trở lên là cả vấn đề. Nếu chỉ để bán điện thoại hay làm tóc thì không ăn thua. Ngày xưa chủ làm tóc thường thuê những địa điểm đẹp nhưng giờ không có khách họ cũng phải trả. Trước họ thuê khoảng 60 – 700 triệu/tháng nhưng làm tóc nữ, đặc biệt là dịp Tết này đông nghịt, chị em đi làm nhiều, làm đầu, ép tóc các kiểu, có cái đầu lên tới cả chục triệu là chuyện bình thường,” anh D cho biết thêm.
Anh L.N.T, một chủ nhà hàng cao cấp vừa trả mặt bằng xong, cho biết mọi năm vào dịp này, các doanh nghiệp lớn, các cơ quan liên hoan nhiều nên nhà hàng của anh lúc nào cũng không có chỗ trống. Khách muốn đặt tiệc phải liên hệ trước từ sớm. Nhưng năm nay tình trạng kinh doanh rất ế ẩm.
“Có lẽ từ những năm 2.000 đến nay thì mình chưa từng thấy khi nào ảm đạm như bây giờ,” anh T than thở.
Anh cho biết thêm khi liên hệ với một số khách hàng thân thiết vốn thường xuyên ủng hộ nhà hàng thì được họ cho biết giờ đây thậm chí họ còn mang cơm nhà đi ăn trưa ngay tại nơi làm việc, tối thì cũng về ăn cơm nhà vì sợ tai tiếng, và họ cũng đang trong giai đoạn khó khăn.
“Bây giờ người ta truy lại mọi thứ từ những nhiệm kỳ trước người tra cũng vẫn bắt. Ông Trần Cẩm Tú lên, ông ấy lê máy chém đi khắp các địa phương thì còn làm ăn được gì,” anh T chia sẻ thêm với VOA.
Người dân cạn tiền trong khi doanh nghiệp thì khó khăn, cắt giảm thưởng Tết, khiến mọi người đều phải tiết kiệm chi tiêu là nhận định chung của nhiều người khi được VOA phỏng vấn.
Anh N.P.N, một phóng viên lâu năm tại một cơ quan báo chí trung ương, cho biết thưởng Tết năm nay tại tòa soạn của anh đã giảm tới hơn 8/10 so với mọi năm. Nhưng như thế vẫn còn là may.
“Thưởng Tết suy giảm nhiều lắm. Mọi năm thì bọn tôi được thưởng khoảng 30 – 40 triệu/người. Nhưng năm nay nghe đâu được có 5,5 triệu. Trong khi công ty vợ tôi làm mọi năm có thêm tháng lương thưởng Tết thì năm nay còn chẳng có thưởng gì,” anh N chia sẻ.
Hiện giờ, vợ chồng anh đang đau đầu xoay sở để về quê ăn Tết.
“Mình mà không xoay sở được thì méo mặt đấy. Vì trường hợp như tôi mà không có nổi 50 triệu thì đừng có nói chuyện về quê nữa,” anh N nói.
Trao đổi với báo chí nhà nước, ông Nguyễn Quốc Khánh, phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thừa nhận nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều sàn thương mại ở Hà Nội vắng bóng người thuê do nhu cầu tiêu dùng thấp.
Truyền thông Việt Nam cũng trích dẫn các chuyên gia cho biết nguyên nhân khiến tình trạng cho thuê mặt bằng thương mại tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội ế ẩm là vì người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang mua sắm online, nhất là qua các sàn thương mại điện tử, vừa đa dạng vừa tiện lợi.
Truyền thông nhà nước nói căn cứ chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, chính phủ đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng GDP trong năm nay ở mức 6 và 6,5%.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận rằng năm 2024 này là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế Việt Nam vì những khó khăn nội tại của nền kinh tế từ năm ngoái vẫn sẽ tiếp tục kéo dài và rằng ở kịch bản tăng trưởng thấp thì chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chỉ đạt 5,5% trong năm nay.