Thượng viện Hoa Kỳ với đảng Dân chủ nắm quyền lãnh đạo đã dọn đường hôm thứ Hai 12/2 cho việc thông qua gói viện trợ trị giá 95,34 tỷ đô la cho Ukraine, Israel và Đài Loan, giữa lúc mối hoài nghi ngày càng tăng lên về số phận của dự luật này tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 66 thuận-33 chống, nhiều hơn so với mức 60 phiếu thuận cần thiết, để dỡ đi rào cản thủ tục cuối cùng và hạn chế việc tranh luận về dự luật trong 30 giờ cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu thông qua có thể diễn ra vào ngày 14/2.
Nhưng mọi việc có thể chuyển động nhanh hơn. Các phụ tá cho biết những người chống đạo luật này bên đảng Cộng hòa dự kiến sẽ lên tiếng phản đối nó tại Thượng viện trong đêm 12/2. Một động thái như vậy có thể cho phép Lãnh đạo Khối Đa số Thượng viện Chuck Schumer tiến hành việc bỏ phiếu thông qua chung cuộc vào sáng 13/2.
Nhưng việc thông qua ở Thượng viện sẽ chỉ đưa dự luật đi tiếp tới Hạ viện. Ở đó, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson từng nói rằng khối đa số bên đảng Cộng hòa của ông tại Hạ viện muốn rằng luật về viện trợ phải bao gồm cả các điều khoản theo đường lối bảo thủ để giải quyết vấn đề dòng người di cư qua biên giới Mỹ-Mexico.
Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Joe Biden đã thúc giục Quốc hội nhanh chóng cung cấp viện trợ mới cho Ukraine và các đối tác của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan, trong nhiều tháng. Sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel, ông cũng yêu cầu tài trợ cho nước đồng minh của Hoa Kỳ, cùng với viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Gaza.
Các quan chức Ukraine đã cảnh báo về tình trạng thiếu vũ khí vào thời điểm Nga đang dấn tới với các cuộc tấn công mới.
Nhưng để trở thành luật, dự luật phải được cả Hạ viện lẫn Thượng viện thông qua, trong khi Hạ viện chưa thông qua bất kỳ khoản viện trợ lớn nào cho Ukraine kể từ khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1/2023.
Trong nhiều tháng, đảng Cộng hòa đã nhấn mạnh rằng bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cho Israel và Ukraine cũng phải giải quyết vấn đề có quá nhiều người di cư đến biên giới Mỹ-Mexico.