Lãnh đạo chính trị đối lập nổi tiếng nhất của Nga, Alexei Navalny, đã gục ngã và qua đời hôm thứ Sáu (16/2) sau khi đi dạo tại trại giam hình sự Bắc Cực “Polar Wolf”, nơi ông đang thụ án tù dài hạn, cơ quan hình sự Nga cho biết.
Ông Navalny, một cựu luật sư 47 tuổi, đã trở nên nổi tiếng hơn một thập kỷ trước với những blog viết về nạn tham nhũng tràn lan và sự giàu có của những “kẻ lừa đảo và kẻ trộm” trong giới thượng lưu Nga.
Cơ quan Hình sự Liên bang của Khu tự trị Yamalo-Nenets cho biết trong một tuyên bố rằng ông Navalny cảm thấy không khỏe sau khi đi dạo tại trại giam IK-3 ở Kharp, cách Moscow khoảng 1.900 km về phía đông bắc hướng Vòng Bắc Cực.
Ông ấy bất tỉnh gần như ngay lập tức, thông báo nói.
“Tất cả các biện pháp hồi sức cần thiết đã được thực hiện nhưng không mang lại kết quả khả quan”, cơ quan này nói, đồng thời cho biết thêm rằng nguyên nhân cái chết đang được xác định.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã được thông báo về cái chết của ông Navalny, là điều khiến phương Tây phẫn nộ và một số người cho rằng nhà lãnh đạo Nga phải chịu trách nhiệm.
Những người ủng hộ ông Navalny cho biết họ không thể xác nhận ông đã chết, nhưng nếu đúng như vậy thì họ tin rằng ông đã bị giết.
“Chính quyền Nga công bố lời thú nhận rằng họ đã giết Alexei Navalny trong tù”, trợ lý của ông Navalny, Leonid Volkov, viết trên mạng xã hội.
Các quan chức phương Tây bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lòng dũng cảm của ông với tư cách là một người đấu tranh cho tự do. Một số người thẳng thừng cáo buộc Điện Kremlin mặc dù không có bằng chứng.
“Alexei Navalny đã phải trả giá bằng mạng sống của mình vì đã chống lại một hệ thống áp bức”, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne nói. “Cái chết của ông ấy tại trại giam nhắc nhở chúng ta về thực tế của chế độ Vladimir Putin”.
“GIẾT NGƯỜI”
Luật sư của ông Navalny đang trên đường đến nhà tù ở Kharp, nơi thân chủ của ông đang thụ án tổng cộng hơn 30 năm.
Truyền hình nhà nước Nga chiếu cảnh cuộc họp báo của giám đốc ngân hàng trung ương khi tin tức được đưa ra.
Người phát ngôn của ông Navalny, Kira Yarmysh, cho biết bà chưa có xác nhận nào về việc ông đã chết.
“Tôi thực sự tin rằng chính điều kiện giam giữ đã dẫn đến cái chết của ông Navalny”, biên tập viên tờ báo Nga và người đoạt giải Nobel Hòa bình, Dmitry Muratov, nói với Reuters. “Bản án của ông đã được bổ sung thêm bằng tội ác giết người”.
Những người ủng hộ đã chọn ông Navalny vào vai một nhà lãnh đạo tương lai của Nga, người một ngày nào đó sẽ ra khỏi tù để đảm nhận chức tổng thống, mặc dù nhiều nhà hoạt động đối lập bày tỏ lo ngại rằng ông đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng trong hệ thống nhà tù của Nga.
Ông Navalny nhận được sự ngưỡng mộ từ phe đối lập ở Nga vì đã tự nguyện trở về Nga vào năm 2021 từ Đức, nơi ông đã được điều trị vì hậu quả mà các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm của phương Tây cho thấy là một nỗ lực đầu độc ông bằng chất độc thần kinh.
Lúc đó, ông Navalny cho biết ông bị đầu độc ở Siberia vào tháng 8/2020. Điện Kremlin phủ nhận âm mưu ông và nói không có bằng chứng nào cho thấy ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh.
Ông Navalny từ lâu dự báo Nga có thể phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị địa chấn, bao gồm cả cách mạng, bởi vì ông cho rằng ông Putin đã xây dựng một hệ thống cai trị cá nhân dễ vỡ dựa vào thói nịnh bợ và tham nhũng.
KẺ THÙ KREMLIN
Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc của ông Navalny về tham nhũng và tài sản cá nhân của ông Putin. Phong trào của ông Navalny bị đặt ngoài vòng pháp luật và hầu hết các đồng minh cấp cao của ông đã trốn khỏi Nga và hiện đang sống ở châu Âu.
Các quan chức Nga coi ông Navalny là một kẻ cực đoan, một con rối của cơ quan tình báo CIA của Hoa Kỳ mà họ cho rằng đang có ý định gieo mầm mống cách mạng nhằm làm suy yếu nước Nga và biến nước này trở thành quốc gia khách hàng của phương Tây.
Ông Navalny từng tham gia các cuộc tuần hành theo chủ nghĩa dân tộc ở Nga vào những năm 2000. Những lời kêu gọi hạn chế nhập cư và chỉ trích những gì mà một số người coi là quan điểm dân tộc chủ nghĩa quá mức của ông đã khiến ông bị trục xuất khỏi đảng đối lập Yabloko cấp tiến vào năm 2007.
Khi các cuộc biểu tình chống lại ông Putin bùng lên vào tháng 12/2011, sau một cuộc bầu cử bị vấy bẩn bởi những cáo buộc gian lận, ông là một trong những lãnh đạo cuộc biểu tình đầu tiên bị bắt.
Trong một cuộc phỏng vấn ở Moscow năm 2011, ông Navalny được Reuters hỏi liệu ông có sợ thách thức hệ thống của ông Putin hay không.
“Đó là sự khác biệt giữa tôi và bạn: bạn sợ còn tôi không sợ”, ông nói. “Tôi biết có nguy hiểm, nhưng tại sao tôi phải sợ?”
Bài đăng cuối cùng của ông Navalny trên Telegram là lời nhắn Ngày lễ tình nhân gửi vợ ông là Yulia bên dưới bức ảnh họ chụp cùng nhau.
“Em yêu, anh và em đang có mọi thứ như trong bài hát: những thành phố xen giữa chúng ta, những ánh đèn cất cánh ở sân bay, những trận bão tuyết xanh và hàng nghìn cây số. Nhưng anh cảm thấy em đang ở đó từng giây phút, và anh càng ngày càng yêu em nhiều hơn”, ông Navalny nói.