Ông Vladimir Putin đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga với 87,97% số phiếu bầu, theo kết quả chính thức đầu tiên được công bố hôm 17/3 sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.
Trong khi đó, Nhà Trắng hôm 17/3 nói rằng cuộc bầu cử ở Nga "rõ ràng là không tự do và công bằng" vì Tổng thống Vladimir Putin đã bỏ tù các đối thủ và ngăn cản những người khác ra tranh cử.
Ông Putin, 71 tuổi và đã nắm quyền hơn hai thập kỷ, hiện sẽ có thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa.
Trước đó, Reuters đưa tin, ông Putin sẵn sàng siết chặt quyền lực hôm 17/3 trong cuộc bầu cử ở Nga, vốn chắc chắn sẽ mang lại cho ông chiến thắng vang dội, mặc dù hàng nghìn người phản đối đã tổ chức một cuộc biểu tình mang tính biểu tượng vào buổi trưa tại các điểm bỏ phiếu.
Ông Putin, người lên nắm quyền vào năm 1999, dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ 6 năm nữa, giúp ông có thể vượt qua ông Josef Stalin và trở thành nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở Nga trong hơn 200 năm.
Cuộc bầu cử diễn ra chỉ hơn hai năm kể từ khi ông Putin tiến hành cuộc xung đột nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ Thế Chiến II bằng cách ra lệnh xâm lược Ukraine. Ông gọi nó là một "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Chiến tranh đã phủ bóng lên cuộc bầu cử kéo dài ba ngày: Ukraine đã liên tục tấn công các nhà máy lọc dầu ở Nga, pháo kích các khu vực của Nga và tìm cách xuyên qua biên giới Nga bằng các lực lượng ủy nhiệm - một động thái mà ông Putin nói sẽ không để yên.
Trong khi khả năng tái đắc cử của ông Putin là điều không thể nghi ngờ nhờ sự kiểm soát của ông đối với nước Nga và không có bất kỳ đối thủ thực sự nào, cựu điệp viên KGB muốn chứng tỏ rằng ông nhận được sự ủng hộ đông đảo của người Nga. Vài giờ trước khi các cuộc bỏ phiếu đóng cửa vào buổi chiều, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn quốc đã vượt qua mức 67,5% của năm 2018.
Những người ủng hộ nhân vật đối lập Alexei Navalny, người đã chết trong một nhà tù ở Bắc Cực vào tháng trước, đã kêu gọi người Nga tham gia cuộc biểu tình gọi là "Buổi trưa chống lại Putin" để thể hiện sự bất đồng quan điểm của họ đối với một nhà lãnh đạo mà họ cho là một kẻ chuyên quyền tham nhũng.
Không có con số độc lập nào về việc có bao nhiêu trong số 114 triệu cử tri Nga đã tham gia các cuộc biểu tình của phe đối lập, trong bối cảnh an ninh hết sức chặt chẽ với sự tham gia của hàng chục nghìn cảnh sát và quan chức an ninh.
Các nhà báo của Reuters chứng kiến sự gia tăng dòng cử tri, đặc biệt là những người trẻ tuổi, vào buổi trưa tại một số điểm bỏ phiếu ở Moscow, St Petersburg và Yekaterinburg, với hàng trăm người, thậm chí hàng nghìn người, xếp hàng.
Một số người cho biết họ đang biểu tình dù có rất ít dấu hiệu bên ngoài để phân biệt họ với cử tri bình thường.
Khi vợ góa của ông Navalny, bà Yulia, xuất hiện tại đại sứ quán Nga ở Berlin, nơi người Nga đang chờ bỏ phiếu, một số người đã cổ vũ bà và hô vang "Yulia, Yulia".
Những người sống lưu vong vốn ủng hộ ông Navalny đã phát sóng các đoạn phim về các cuộc biểu tình ở Nga và nước ngoài trên YouTube.