Vụ án hình sự kéo dài của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cáo buộc công ty Huawei của Trung Quốc lừa dối các ngân hàng về hoạt động kinh doanh của công ty này ở Iran, cùng với các cáo buộc khác, đang được xem xét để tòa đem ra xét xử vào tháng 1/2026, theo Reuters.
Hôm 4/4, tại một cuộc họp về hiện trạng vụ án này ở Brooklyn, New York, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Alexander Solomon nói với Thẩm phán cấp quận hạt trong hệ thống liên bang, bà Ann Donnelly, rằng “các cuộc thảo luận để dàn xếp đã không đi đến đâu. Chúng tôi tin rằng sẽ lên lịch xét xử là điều sáng suốt”.
Thẩm phán Donnelly nói bà nghĩ thời điểm “có lẽ phù hợp” để phiên tòa bắt đầu sẽ là đầu tháng 1/2026.
Vụ án vốn đã làm căng thẳng mối quan hệ Mỹ-Trung bấy lâu nay bắt đầu vào năm 2018 với một bản cáo trạng được niêm phong dẫn đến việc bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính Huawei, bị giam giữ tại Vancouver, Canada, theo lệnh của Hoa Kỳ.
Là một phần của thỏa thuận năm 2021, các cáo buộc nhằm vào bà Mạnh, cũng là con gái của người sáng lập công ty, đã bị bác bỏ.
Vụ kiện trên quy mô rộng hơn nhằm vào Huawei đang chờ xét xử lý. Công ty này đã không nhận tội.
Ông Solomon nói rằng các công tố viên dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tháng.
Ông Douglas Axel, luật sư của Huawei, cho hay công ty đang chờ quyết định về kiến nghị tách vụ việc ra, về cơ bản là tách biệt cáo buộc gian lận ngân hàng với cáo buộc trộm cắp bí mật thương mại. Nhưng chính phủ Mỹ tỏ ý là họ sẽ phản đối việc tách ra như thế và các cáo buộc này có liên quan đến nhau.
Công ty Huawei đã bị truy tố vào năm 2018 về tội gian lận ngân hàng nhằm đánh lừa ngân hàng HSBC và các ngân hàng khác về hoạt động kinh doanh của họ ở Iran, quốc gia chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Vào năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ bổ sung thêm nhiều cáo buộc vào vụ án, bao gồm cả việc Huawei bị cáo buộc âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ 6 công ty công nghệ Hoa Kỳ và giúp Iran theo dõi những người biểu tình trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2009.
Bà Mạnh ký một thỏa thuận hoãn truy tố với các công tố viên Hoa Kỳ vào tháng 9/2021, trong đó bà thừa nhận đã đưa ra những tuyên bố sai lệch về hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran.
Sau phiên tranh tụng trực tuyến bất thường đó, bà được phép bay từ Canada về Trung Quốc. Ngay sau đó, Trung Quốc đã thả hai công dân Canada mà họ giam giữ, và hai anh chị em người Mỹ bị cấm xuất cảnh được phép bay về nước.
Kể từ năm 2019, Hoa Kỳ đã hạn chế quyền tiếp cập của Huawei vào công nghệ Hoa Kỳ, cáo buộc công ty này có các hoạt động trái với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, điều mà Huawei phủ nhận.