Hàng ngàn người dân Việt Nam đang thiếu nước ngọt “nghiêm trọng” vì hạn hán và nhiễm mặn, khiến chính quyền của tỉnh đầu tiên ở Việt Nam phải ban bố tình trạng khẩn cấp, AFP và truyền thông trong nước đưa tin hôm 7/4.
Tiền Giang là tỉnh đầu tiên của Việt Nam phải công bố tình trạng khẩn cấp. Sau khi ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho báo chí biết hiện trong địa bàn có 9/11 huyện, thành phố của tỉnh đủ nước sinh hoạt, chỉ thiếu cục bộ ở một số xã thuộc huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông do ở cuối mạng lưới cấp nước, hoặc chưa được lắp đặt đường ống dẫn nước.
Một đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần đã gây ra hạn hán và xâm nhập mặn tại một khu vực của tỉnh Tiền Giang, nơi cách trung tâm thương mại thành phố Hồ Chí Minh 60 km về phía nam.
Khu vực huyện Tân Phú Đông của tỉnh – với 12km bờ biển dọc Biển Đông và có đường thủy chằng chịt – bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Tiền Giang đã phải mở khoảng 105 vòi nước, điểm lấy nước sinh hoạt miễn phí cho người dân. Riêng huyện Gò Công Đông đã mở 62 vòi cấp nước sinh hoạt miễn phí để phục vụ cho gần 3.000 hộ dân tại các xã ven biển, theo tường thuật của Dân Việt.
Trên địa bàn toàn huyện Tân Phú Đông hiện có hơn 44.000 người đang thiếu nước ngọt sử dụng, nhu cầu sử dụng khoảng 10.270 m3/ngày đêm. Hiện nguồn tự cung cấp của địa phương chỉ có 2.500 m3/ngày đêm và Công ty cổ phần BOO nước Đồng Tâm ủng hộ 6.000 m3/ngày đêm. Như vậy, toàn huyện hiện nay thiếu khoảng 1.770 m3/ngày đêm, theo Kinh tế Nông thôn.
Tờ báo dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học của Viện Khoa học Tài nguyên nước cho biết tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL khoảng 70.168 tỉ đồng. Các nhà khoa học ước tính thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL vào các năm 2030, 2040, 2050 có thể lên mức lần lượt 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng.