Kỳ nghỉ lễ 30/04 và 01/05 sắp tới tại Việt Nam, người lao động sẽ được nghỉ tổng cộng 5 ngày, từ 27 tháng Tư tới 1 tháng Năm. Đây là một trong những dịp nghỉ lễ dài trong năm, nhưng năm nay, hầu hết các hộ gia đình được VOA phỏng vấn đều cho biết lần này sẽ là kỳ nghỉ lễ “tiết kiệm nhất” của họ trong nhiều năm qua khi điều kiện kinh tế xã hội nói chung ngày càng khó khăn.
Anh Nguyễn Ngọc Anh, một công chức làm việc cho doanh nghiệp nhà nước ở quận Hoàn Kiếm cho biết kỳ nghỉ năm nay, gia đình anh lựa chọn tự lái xe về quê nội chơi mấy ngày thay vì tranh thủ tham gia vào các chương trình mở cửa biển tại các trung tâm du lịch biển nổi tiếng như mọi năm.
Anh cho biết, đây dù là “lựa chọn bất đắc dĩ” do cả người lớn và trẻ con đều thích tắm biển nhưng lại “phù hợp hơn trong hoàn cảnh hiện tại.”
“Thật ra về quê cũng có nhiều chỗ chơi. Còn nếu để đi chơi thì cũng có một số chỗ, nhưng năm nay thì không được vì cũng tốn kém mà đồng tiền lại mất giá.” Anh Ngọc Anh cho biết và chia sẻ thêm, với thu nhập cả hai vợ chồng công chức trên dưới 20 triệu đồng/tháng như gia đình anh hiện nay, “đủ sống ở Hà Nội đã là may” chứ lấy tiền đâu ra mà đi du lịch khi giá cả hầu hết các mặt hàng từ bát phở ăn sáng cho tới tiền điện hàng tháng đều tăng cao.
Anh Trần Quang Minh, một công chức khác thì cho biết gia đình anh năm nay cũng không dám đi du lịch biển dù giá phòng khách sạn hiện tại “khá mềm.” Lý do là vì trong hoàn cảnh nền kinh tế ảm đạm như hiện nay, theo anh, nếu có dư đồng nào là gia đình phải tiết kiệm phòng ngừa rủi do chứ không thể phung phí cho những nhu cầu không thiết yếu được.
“Mình phải tìm chỗ nào nó đơn giản thôi, chứ nếu mà cứ đâm đầu vào những chỗ đông đúc như thế thì cũng dễ bị chặt chém lắm”. Anh Minh cho biết.
Không chỉ những công chức như anh Ngọc Anh hay anh Minh lựa chọn không đi du lịch biển để tiết kiệm mà ngay cả nhiều người được đánh giá là có thu nhập cao cũng lựa chọn phương án giản đơn trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Anh Nguyễn Thành Nam, một giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp công nghệ tại Hà Nội cho biết suốt 2 năm nay, doanh số của công ty liên tục giảm do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp làm ăn bết bát, công ty không có nhiều hợp đồng mới nên thu nhập của anh đã giảm mạnh. Vì thế mà năm nay anh sẽ tận hưởng kỳ nghỉ lễ theo cách chưa từng có: “ Gia đình mình đang tính đi loanh quanh Hà Nội chơi thôi, cho thiên hạ người ta đi hết đi còn mình ở lại mình tận hưởng.”
Đây cũng là lựa chọn của một số gia đình khác.
Anh Lê Quang, một cư dân tại khu đô thị cao cấp Mandarin Garden, ở quận Cầu Giấy, cho biết anh cũng sẽ tận hưởng kỳ nghỉ 5 ngày sắp tới theo cách đơn giản nhất: “Mình cũng sẽ đi chơi nhưng theo kiểu là tụ tập ở nhà ai đấy thôi. Còn không thì anh em chạy loanh quanh chủ động thôi chứ cũng không có kế hoạch gì cả”.
Anh Quang cho biết, tình hình “bất ổn chính trị” kể từ sau khi chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức và những khó khăn kinh tế nhiều khả năng sẽ còn kéo dài nên gia đình anh và bạn bè phải chuẩn bị kỹ, chứ không thể thoải mái như xưa được nữa.
Đối với những công chức nghèo, cả năm trông chờ vào một kỳ nghỉ mát do công ty hay đơn vị chủ quản tổ chức cho nhân viên vào dịp 30/04 - 01/05, thì giờ nhiều người cũng hết hy vọng.
Chị Nguyễn Thùy Nhung, công chức hiện công tác cho một cơ quan quản lý nhà nước tại quận Cầu Giấy cho biết, do tình hình kinh tế - xã hội nói chung khó khăn nên quỹ công đoàn, phúc lợi của đơn vị ngày càng bị thu nhỏ, đến mức “gần như là biến mất hoàn toàn.”
“Cả quỹ công đoàn giờ còn có mười mấy triệu mà có tới hai mươi mấy người thì đi đâu được. Ở Hà Nội thôi thì cũng hết sạch ngay chứ nói gì đến đi đâu nữa.” Chị Nhung than thở và cho biết đành đợi bố mẹ nếu có điều kiện sẽ tổ chức cho đi biển nghỉ ngơi mấy hôm khi vào giữa Hè tới, còn kỳ nghỉ lễ này thì “đành chịu.”
Ngay từ dịp cuối tháng Ba khi VOA tìm hiểu về nhu cầu du lịch biển và nghỉ dưỡng dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5, phần lớn đại diện các công ty lữ hành, chủ khách sạn và trung tâm nghỉ dưỡng đã trả lời rằng họ không có nhiều kỳ vọng vào kỳ nghỉ lễ đầu Hè năm nay do bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn mà giá vé máy bay lại tăng cao.
Báo chí Nhà nước cho biết, theo ghi nhận của các doanh nghiệp lữ hành, mọi năm, với kỳ nghỉ dài ngày, các gia đình thường lựa chọn những điểm đến xa, mới lạ để khám phá, trải nghiệm. Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/5 năm nay thì khác. Do giá vé máy bay các tour nội địa và nước ngoài đều tăng, giá tour tăng theo, khiến nhu cầu du lịch xa của du khách giảm hẳn. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận số lượng khách đặt tour đi du lịch xa cho tới thời điểm này mới chỉ đạt 50% so với kế hoạch.