Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm và tiến hành quy trình bầu chủ tịch nước vào ngày 22/5, theo truyền thông trong nước.
Cổng thông tin chính phủ (VGP News) cho biết sau khi kết quả được công bố, tân chủ tịch nước sẽ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.
Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín, ít ngày sau khi ông Tô Lâm, hiện là Bộ trưởng Bộ Công an, được giới thiệu bầu làm chủ tịch nước sau một cuộc họp của các nhà lãnh đạo chủ chốt do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Theo VietNamNet, chiều 21/5, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua việc bổ sung nội dung phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an cho ông Tô Lâm vào nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15.
Trước đó, hôm 19/5, theo Thanh Niên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội “sẽ bầu chức danh Chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm, song sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm, đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm”.
Phát biểu của ông Cường đã gây ra tranh luận trên mạng xã hội khi nhiều người cho rằng nếu ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước mà vẫn kiêm nhiệm chức bộ trưởng Công an là trái với hiến pháp.
Nhà báo nổi danh Trương Huy San hôm 19/5 đã nêu ra thắc mắc này trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân với tựa đề “UBTV (Ủy ban Thường vụ) đang giải thích hiến pháp?”, trong đó blogger có nhiều ảnh hưởng nói rằng ông không hiểu được cách giải thích về việc “một người chưa được miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an mà có thể được bầu làm Chủ tịch nước” và rằng điều này “chắc chắn tạo ra một tiền lệ tương tự như khủng hoảng Hiến pháp.”
Ông Cường được VietNamNet dẫn lời nói hôm 21/5 rằng việc bổ sung nội dung phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Công an vào nội dung kỳ họp thứ 7 được thực hiện sau khi ghi nhận “ý kiến của các cấp có thẩm quyền, thực hiện quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn kiện toàn bộ máy Nhà nước”.
Sau khi được Quốc hội biểu quyết chấp thuận, ông Tô Lâm, 67 tuổi, sẽ thay thế ông Võ Văn Thưởng, người đã từ chức hồi tháng 3 sau khi bị cáo buộc “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hôm 20/5, 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (475/475 đại biểu) bỏ phiếu tán thành ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, thay thế cho ông Vương Đình Huệ, người đã từ chức vào tháng trước vì những “vi phạm” và “khuyết điểm” không được nêu rõ.