Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22/5 gửi lời chúc mừng ông Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó, ông tập trung đề cập đến “Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam”.
Quốc hội Việt Nam hôm 21/5 đã bầu Bộ trưởng Công an Tô Lâm làm Chủ tịch nước, trong một động thái mà các nhà phân tích coi là “bước đệm” để ông Tô Lâm sau này tranh cử vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền, chức vụ hàng đầu trong nhóm “tứ trụ”.
Trong thư chúc mừng ông Tô Lâm, ông Tập nói Trung Quốc và Việt Nam là những nước láng giềng xã hội chủ nghĩa thân thiện, núi liền núi, sông liền sông. Ông cũng lưu ý rằng trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào năm ngoái, ông và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng nhau tuyên bố xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam” có ý nghĩa chiến lược, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, Tân Hoa Xã đưa tin.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói ông vui mừng khi thấy nhiều ban ngành, địa phương của hai nước đang tăng cường nỗ lực xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam cùng chia sẻ tương lai và đã đạt được những tiến bộ tích cực.
Chủ tịch Trung Quốc nói thêm rằng ông đánh giá cao sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam và sẵn sàng hợp tác với “đồng chí Chủ tịch nước” để duy trì liên lạc chiến lược, định hướng sự phát triển thực chất trong việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam chia sẻ tương lai và mang lại nhiều lợi ích hơn cho hai dân tộc, vẫn theo Tân Hoa Xã.
Ông Tô Lâm, 66 tuổi, vừa được miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an để lên làm chủ tịch nước Việt Nam. Ông được xem là nhân vật quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, được gọi là chiến dịch “đốt lò”, nhằm mục đích nhổ tận gốc nạn tham nhũng tràn lan. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng bị các nhà phê bình coi là một công cụ để đảng Cộng sản loại bỏ các đối thủ trong các cuộc đấu chính trị.
Ông Tô Lâm cũng được biết đến trong vụ “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam vào năm 2017, khi ông đang giữ chức Bộ trưởng Công an và có chuyến công tác ở Slovakia vào thời điểm đó. Cơ quan an ninh Việt Nam bị cáo buộc đã thực hiện vụ bắt cóc và đưa ông Trịnh Xuân Thanh về nước thông qua máy bay mượn của Slovakia. Vụ việc đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức.