Trong năm 2023, cả nước có gần 11.000 cán bộ, công chức và viên chức nghỉ việc để chuyển sang làm việc cho tư nhân và nước ngoài, theo báo cáo của Bộ Nội vụ. ‘Làn sóng’ này kéo dài từ đại dịch Covid đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều người cho biết thu nhập thấp và môi trường làm việc kém là những lý do chính khiến họ rời bỏ các cơ quan nhà nước hay các công ty quốc doanh.
Anh Nguyễn Văn Dương, một viên chức có gần 20 năm làm việc cho Ủy ban Nhân dân của một thành phố giáp ranh Hà Nội, cho biết với mức lương theo ngạch chỉ gần 7 triệu đồng/tháng thì anh không thể nuôi sống bản thân chứ chưa nói tới chuyện cho hai cô con gái đi học đại học, dù là ở một thành phố tỉnh lẻ. Ngày trước, nhờ ‘những sự nhờ vả’ về giấy tờ vànhờ có dự án này, dự án kia nên anh có thêm thu nhập ít nhất cũng gấp đôi lương nhà nước.
“Cứ bắt nhau hoài thế này, chả ai dám làm gì. Nên công chức nhà nước là đói hết với nhau,” anh Dương nói.
Vì thế, cách đây gần 2 năm anh đã xin nghỉ và chuyển sang làm cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương khoảng 30 triệu đồng/tháng. Anh nói đó là quyết định sáng suốt giúpcải thiện thu nhập, đủ lo cho cả gia đình, và với khoảng 20 năm làm việc còn lại, tương lai của anh lúc về hưu cũng được đảm bảo hơn.
“Làm cho hãng Nhật này thì người ta đóng bảo hiểm cao, đồng nghĩa là chế độ cho người lao động nó tốt. Hiện họ đang đóng bảo hiểm cho mình ở mức 30 triệu/tháng thì về sau về hưu còn có cái lương hưu đủ sống. Chứ còn ở nhà nước thì chỉ đóng ở mức 10 triệu là giỏi lắm rồi.”
Anh Dương nói với khoảng 20 năm liên tục đóng bảo hiểm ở mức thu nhập 30 triệu/tháng, cộng với thời gian gần 20 năm đóng bảo hiểm thời còn làm nhà nước thì lương hưu của anh cũng khoảng trên dưới 20 triệu/tháng chứ không phải chỉ vài triệu đồng/tháng như một ‘công chức quèn’, uống cà phê còn không đủ.
Chị Nguyễn Hồng Nga, một chuyên viên từng làm việc ở một tổng công ty nhà nước, cho biết chị đã nghỉ việc nhà nước từ đầu năm và cảm thấy thật sự thoải mái khi không còn phảithường xuyên đi tiếp khách và phục vụ lãnh đạo sau giờ làm việc đến mức hoàn toàn không có thời gian cho bản thân và gia đình.
“Nói chung so với mức tiền kiếm được thì làm nhà nước nhàn hơn rất là nhiều nhưng mà nó lại bị cái là không thoải mái. Có một số thứ thực sự là không thoải mái. Trong khi mình thì lại thích tự do. Nói chung là đến lúc mình muốn chuyển là chuyển thôi, nó cũng không thực sự vì một lý do gì. Kiểu làm mãi một chỗ nó cũng chán ý,” chị Nga cho biết thêm.
Chị nói từ ngày ra ngoài làm cho tư nhân, chị đã thay đổi hẳn so với hơn 10 năm làm trong doanh nghiệp nhà nước chỉ biết cạnh tranh với đồng nghiệp và làm vừa lòng cấp trên.
“Nói tóm lại là ra ngoài làm cũng biết thêm rất nhiều thứ và làm việc cũng vất vả hơn nhưng bù lại có nhiều thứ khác. Nhưng mà thật sự nếu muốn thay đổi thì nên thay đổi sớm hơn,” chị Nga bày tỏ tiếc nuối khi cho rằng mình không còn nhiều thời gian để phấn đấu trong môi trường mới.
Anh Nguyễn Thành Trung, một viên chức có thâm niên trên 20 năm tại một doanh nghiệp quốc doanh, phản bác quan điểm ‘làm nhà nước là nhàn’ vì theo anh nhàn cũng đồng nghĩa với thu nhập thấp và ‘nhàn’ không đồng nghĩa với thoải mái.
“Chả thoải mái cái gì cả. Mà ráo mồ hôi là hết tiền. Thế nhưng mà giờ mình vẫn chưa có lựa chọn nào tốt hơn cả thì mình vẫn phải duy trì. Rồi xem có cửa gì thì nhặt nhạnh thêm tí, chứng khoán chẳng hạn. Chứ không rảnh quá thì nó cũng mất hay ra,” anh nói.
Nhiều người chưa dám rời bỏ hẳn môi trường nhà nước đang phải tìm nhiều cách xoay sở khác nhau để đảm bảo cuộc sống. Anh Trung cho biết thêm rằng may là gia đình anh cũng không phải quá lo chuyện ‘cơm áo gạo tiền’ nên anh vẫn có thể trụ lại môi trường nhà nước với mức thu nhập chỉ trên dưới 7 triệu đồng/tháng.
“Không đi trước thì cũng đi sau thôi mà, làm sao có thể tồn tại với cái kiểu đấy được. Tính mình làm sao nhẫn nhịn được, tính mình nó nóng thích là mình quặc lại ngay, làm sao mà mình chấp nhận mãi môi trường nhà nước luồn cúi được,” anh Trung chia sẻ.
Đời sống không ít cán bộ, công chức, viên chức đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoàn cảnh suy giảm chung của nền kinh tế suốt từ đại dịch Covid đến nay.
Anh Nguyễn Thành Nam, một phóng viên làm việc cho một đơn vị truyền hình lớn ở Hà Nội, cho biết thu nhập của anh đã giảm nhanh chóng trong hơn 2 năm qua. Đầu tiên là nơi anh công tác cắt đi phần lương cơ bản mà chỉ trả lương theo sản phẩm, và thời gian gần đây nhuận bút cho một sản phẩm phóng sự ngắn cũng bị cắt giảm.
“Ví dụ như là một phóng sự ngày xưa thì được 600 nghìn thì giờ chỉ còn có 400 nghìn. Kiểu thế. Họ kêu là hụt doanh thu quảng cáo thế thôi, tình hình khó khăn chung của toàn đài. Mà các ban biên tập khác họ còn nợ lương đầy ra cơ mà. Họ lúc nào cũng kêu là các ban khác còn nợ lương, báo đài khác còn không có tiền trả phóng viên kia kìa. Lúc nào cũng thấy nói thế,” anh Nam than thở và cho biết sớm muộn gì anh cũng phải tìm việc khác. Anh nói mức thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/tháng hiện nay anh và gia đình khó sống nổi ở Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà được báo chí nhà nước dẫn lời cho biết Bộ đã tiến hành thực hiện cải cách chính sách tiền lương để thực hiện từ ngày 01/7 năm nay. Bộ Nội vụ nói để đảm bảo cán bộ, công chức nhà nước đủ xoay sở cuộc sống, Bộ đang xin mức lương ít nhất là khoảng trên 5 triệu đồng/tháng, nhưng phải chờ ý kiến của Bộ Chính trị trước khi có thể trở thành hiện thực.
Về môi trường làm việc, Bộ nói đang xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vàtăng cường thanh tra công chức cũng như xử lý nghiêm sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ-công viên chức, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Thanh Trà được báo chí nhà nước dẫn lời.