Việt Nam dự kiến sẽ cho phép các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu vàng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế, một quan chức trong ngành cho Reuters và truyền thông trong nước biết hôm 11/6.
Ông Huỳnh Trùng Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), nói hiệp hội này năm ngoái đã kiến nghị cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu 1,5 tấn vàng nhưng không được chấp thuận. Đầu năm nay, VGTA tiếp tục kiến nghị nhập khẩu 10 tấn vàng và số vàng này sẽ dùng để chế tác trang sức, mỹ nghệ.
Quan chức này cho biết trong nhiều năm qua, ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có nguyên liệu để chế tác. Nếu mua ở thị trường bên ngoài, nhiều khả năng sẽ là vàng nhập lậu, còn vàng nhập chính ngạch thì các doanh nghiệp này chưa được cấp phép do những hạn chế của Nghị định 24, trong đó quy định Ngân hàng Nhà nước chỉ ủy quyền cho các doanh nghiệp khác để nhập khẩu vàng khi cần thiết, phục vụ cho nhu cầu sản xuất.
Chính phủ Việt Nam gần như đã kiểm soát hoàn toàn việc nhập khẩu và bán vàng thỏi trong nước vào năm 2012, với một số công ty lớn được phép nhập khẩu với điều kiện họ tái sử dụng nó làm đồ trang sức để xuất khẩu.
“Chính phủ cho biết họ sẽ bắt đầu nhập khẩu vàng chính thức vào tháng 7 hoặc tháng 8. Chúng tôi hy vọng đến tháng 7 họ sẽ cho phép các công ty vàng nhập khẩu trực tiếp”, Reuters dẫn lời ông Khánh nói bên lề hội nghị Kim loại quý Châu Á Thái Bình Dương.
VGTA hy vọng thay đổi được đề xuất sẽ có hiệu lực vào đầu tháng tới. Nếu đề xuất này được thông qua, đây sẽ là một sự thay đổi đáng kể so với chính sách hiện tại của Việt Nam, trong đó ngân hàng trung ương kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu vàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của hãng thông tấn Anh.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với quốc tế bằng cách tổ chức các phiên đấu giá và cho phép bốn ngân hàng địa phương bán vàng nhằm tăng tính thanh khoản. Tuy nhiên, các biện pháp trên không đem lại tác động lâu dài, khi giá trong nước vẫn giao dịch ở mức cao hơn giá vàng trên toàn cầu.
Mục tiêu giảm ngay chênh lệch giá vàng trong nước và quốc được xem là rất quan trọng vì theo ước tính của VGTA, nhu cầu về vàng của Việt Nam sẽ tăng lên trong năm nay. Quốc gia Đông Nam Á nằm trong top 10 quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất.
Hoạt động mua vàng dự kiến tăng 10% hàng năm lên 33 triệu tấn trong sáu tháng đầu năm nay, ông Khánh cho biết trong bài thuyết trình tại hội nghị.
Người dân mua bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động mua vàng. Người dân Việt Nam vốn coi vàng như một công cụ tích trữ tài sản an toàn nhằm đề phòng những bất ổn kinh tế.
“Nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu đầu tư bán lẻ mạnh mẽ này là do lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, bất động sản bị đóng băng và tình trạng mất giá liên tục của tiền đồng so với đồng đô la Mỹ”, Reuters dẫn lời ông Khánh nói.
“Chúng ta thấy nhiều người xếp hàng trên đường phố, bất kể nắng mưa để mua thêm vàng”, quan chức của VGTA nói thêm.
Nhu cầu vàng tăng mạnh cũng dẫn đến tình trạng buôn lậu cao hơn, đặc biệt là từ nước láng giềng Campuchia, ông Khánh nói, đồng thời cho biết thêm rằng thực tế này khiến việc phải có chính sách hành động ngay lập tức trở nên vô cùng quan trọng.
“Đó là một mạng lưới hệ thống ngầm rất lớn. Với mức giá tăng cao như vậy thì tỷ lệ buôn lậu vẫn rất cao”, ông Khánh nói.
Ông cho biết VGTA và Hội đồng vàng thế giới hiện đang làm việc với ngân hàng trung ương Việt Nam và các cơ quan chính phủ khác để thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia, một động thái mà VGTA tin rằng sẽ mang lại sự ổn định hơn cho thị trường.