Sau vụ cựu Tổng thống Donald Trump bị ám sát hụt tại một cuộc vận động tranh cử hôm 13/7, Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ đang bị chú ý chặt chẽ.
Ông Trump bị một viên đạn sượt qua vành tai tại cuộc mít tinh ở Bulter, bang Pennsylvania.
Vụ nổ súng này cũng khiến một người tham dự mít tinh bị thiệt mạng và hai người khác bị thương nặng.
Kẻ xả súng, bị lính bắn tỉa của Mật vụ bắn hạ, được xác định là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi.
Crooks từng đăng ký bỏ phiếu với tư cách là đảng viên Đảng Cộng hòa, nhưng cũng có quyên góp một khoản tiền nhỏ cho một nhóm nghiêng về Đảng Dân chủ.
FBI vẫn chưa xác định được động cơ ra tay của Crooks.
Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh mở cuộc điều tra độc lập về an ninh tại cuộc mít tinh đó để xác định xem làm thế nào mà Crooks có thể suýt nữa là giết chết ông Trump bất chấp sự hiện diện của đội ngũ Mật vụ tại hiện trường.
Vai trò của Cơ quan Mật vụ Mỹ
Cơ quan Mật vụ là cơ quan thực thi pháp luật hoạt động dưới Bộ An ninh Nội địa. Cơ quan này có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống, phó tổng thống và các cựu tổng thống của Hoa Kỳ, cùng các quan chức khác trong chính phủ và gia đình của họ.
Cơ quan Mật vụ cũng được yêu cầu bảo vệ các ứng cử viên tổng thống quan trọng và gia đình của họ. Việc này bắt đầu sau vụ ám sát ông Robert F. Kennedy năm 1968, một ứng cử viên tổng thống hàng đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ.
Vụ ám sát hụt hôm 13/7
FBI đang giám sát cuộc điều tra tìm hiểu xem làm sao mà nghi phạm Crooks có thể tiếp cận được mái nhà nơi tay súng này nhã đạn gây án, nhưng có thông tin cho rằng tòa nhà này nằm ngoài phạm vi an ninh “cốt lõi” của Mật vụ.
CNN đưa tin rằng trước vụ nổ súng, những người tham dự mít tinh đã phát hiện một nhân vật khả nghi bên ngoài khuôn viên cuộc mít tinh, tay cầm một khẩu súng trường. Cơ quan thực thi pháp luật địa phương cũng đã nhìn thấy cá nhân này và báo cáo cho Mật vụ.
Một nhân chứng từ bên ngoài cuộc mít tinh tên là Greg Smith nói với BBC rằng anh đã nhìn thấy kẻ xả súng trèo lên mái nhà trước khi vụ nổ súng xảy ra.
“Chúng tôi chỉ lên anh ta, lúc đó cảnh sát đang đi tới đi lui vòng vòng dưới đất. Chúng tôi bảo, ‘Anh ơi, có một gã cầm súng trường trên mái nhà kìa’,” Smith thuật lại.
Smith cho biết anh đã chỉ vào kẻ xả súng trong khoảng hai đến ba phút.
“Cơ quan Mật vụ từ trên nóc nhà kho nhìn xuống chúng tôi, tôi chỉ vào mái nhà đó… và tiếp theo là năm phát súng vang lên,” Smith nói.
Mái nhà đã được xem là có khả năng rủi ro
NBC đưa tin vài ngày trước khi cuộc mít tinh diễn ra, Cơ quan Mật vụ đã cho rằng mái nhà đó là có khả năng dễ bị tấn công, nhưng khu vực đó được cho là thuộc thẩm quyền của cơ quan thực thi pháp luật địa phương.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Alejandro Mayorkas thừa nhận với ABC News rằng “chớ nên để cho có một tầm nhìn trực tiếp như vậy nhắm vào cựu tổng thống”.
Giám đốc Cơ quan Mật vụ Kimberly Cheatle đưa ra một tuyên bố hôm 15/7, cho biết cơ quan sẽ hợp tác với Quốc hội trong bất kỳ cuộc điều tra nào.
“Cơ quan Mật vụ đang làm việc với tất cả các cơ quan liên bang, tiểu bang và địa phương có liên quan để hiểu chuyện gì đã xảy ra, xảy ra như thế nào và làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn sự cố như thế này tái diễn,” bà Cheatle nói.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết sẽ có một cuộc điều tra của Quốc hội về vụ việc.
Các sự cố trước đây
Vụ nổ súng hôm 13/7 không phải là lần đầu tiên trong lịch sử gần đây mà Cơ quan Mật vụ bị chú ý chặt chẽ về cách làm việc.
Vào năm 2017, một người đàn ông đã trèo qua hàng rào Tòa Bạch Ốc mà vào lúc đó Tổng thống Trump có mặt trong Tòa Bạch Ốc, rồi đi lang thang trong khuôn viên Bạch Cung mà không bị phát hiện trong khoảng 17 phút.
Một sự việc tương tự đã xảy ra vào năm 2014, khi một người cầm dao trèo qua hàng rào Tòa Bạch Ốc rồi vượt qua được các cánh cửa của sảnh vào.
Năm 2023, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan bị người lạ đột nhập vào nhà khi ông đang ở trong nhà. Ông Sullivan có đội ngũ Mật vụ bảo vệ và chính ông đã phải tự mình báo cho họ biết.