Lực lượng Israel đã tấn công các khu vực ở trung tâm Dải Gaza hôm thứ Tư, giết chết ít nhất 9 người Palestine, theo các quan chức y tế, trong khi xe tăng của Israel thực hiện một cuộc tiến công hạn chế sâu hơn vào phía nam Rafah.
Trong một cuộc không kích của Israel vào khoảng nửa đêm vào một ngôi nhà ở Al-Zawyda ở trung tâm Dải Gaza, 8 người đã thiệt mạng, theo lời các quan chức y tế. Một cuộc tấn công khác giết chết một người đàn ông ở trại Nuseirat, một trong 8 trại tị nạn của khu vực này, nơi 23 người đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel vào một trường học một ngày trước.
Người dân cho biết xe tăng của Israel cũng pháo kích vào khu vực phía đông của trại Al-Bureij và Al-Maghazi ở trung tâm khu vực. Một cuộc không kích đã phá hủy một nhà thờ Hồi giáo, vẫn theo lời các cư dân.
Trong khi đó ở Rafah, xe tăng đã tiến hành đột kích ở phía bắc thành phố trước khi rút lui, một chiến thuật mà lực lượng Israel đã sử dụng ở các khu vực khác trước khi thực hiện các cuộc tấn công sâu hơn. Xe tăng đã hoạt động ở hầu hết các khu vực trong thành phố kể từ tháng 5, mặc dù chưa tiến sâu vào các quận phía bắc.
Các nhân viên y tế cho biết một cuộc tấn công của Israel đã giết chết hai người ở Rafah hôm thứ Tư, trong khi người dân cho biết lực lượng này đã cho nổ tung hàng chục ngôi nhà.
Quân đội Israel nói họ đang “tiếp tục hoạt động hoạt động chính xác, dựa trên thông tin tình báo ở khu vực Rafah”. Họ nói đã loại bỏ “ổ khủng bố” và một bệ phóng được sử dụng để bắn vào quân đội.
Quân đội Israel cũng cho biết các cuộc không kích đã tấn công 25 mục tiêu trên khắp Dải Gaza trong ngày qua và quân đội vẫn tiếp tục hoạt động ở khu vực trung tâm, bao gồm cả việc dỡ bỏ các công trình dùng để quan sát binh lính.
Chín tháng sau cuộc chiến, các chiến binh Palestine do nhóm Hồi giáo Hamas lãnh đạo vẫn có thể tấn công lực lượng Israel bằng tên lửa chống tăng, đạn cối và đôi khi bắn hàng loạt tên lửa vào Israel.
Israel thề sẽ tiêu diệt Hamas sau khi phiến quân của lực lượng này giết chết 1.200 người và bắt hơn 250 con tin trong một cuộc tấn công vào các cộng đồng miền nam Israel vào ngày 7/10, theo thống kê của Israel.
Hôm thứ Ba, quân đội nói họ đã loại bỏ một nửa ban lãnh đạo cánh quân sự của Hamas, với khoảng 14.000 chiến binh bị giết hoặc bị bắt kể từ khi bắt đầu chiến tranh.
Cơ quan y tế Gaza cho biết ít nhất 38.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công trả đũa của Israel kể từ đó. Israel cho biết 326 binh sĩ của họ đã thiệt mạng ở Gaza.
Hamas phủ nhận tội ác chiến tranh
Những nỗ lực ngoại giao của các nhà hòa giải Ả Rập nhằm ngăn chặn tình trạng thù địch, được Mỹ hậu thuẫn, dường như đang bị trì hoãn, nhưng các quan chức từ tất cả các bên cho biết họ sẵn sàng đàm phán thêm, bao gồm cả Israel và Hamas, các bên đã đổ lỗi cho nhau về tình trạng bế tắc hiện tại.
Một thỏa thuận sẽ nhắm mục tiêu chấm dứt chiến tranh và thả các con tin Israel ở Gaza để đổi lấy nhiều người Palestine đã bị Israel bỏ tù.
Hôm thứ Tư, Israel đã thả 13 người Palestine bị giam giữ trong cuộc tấn công quân sự ở Gaza, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết trong một tuyên bố. Các tù nhân được trả tự do đã được chuyển đến một bệnh viện ở trung tâm Dải Gaza để điều trị.
Nhiều người trong số hàng trăm người Palestine được Israel thả trong những tháng qua đã cáo buộc lực lượng Israel ngược đãi và tra tấn. Hiệp hội Tù nhân Palestine cho biết gần 20 người Palestine đã chết trong trại giam của Israel sau khi bị giam giữ từ Gaza. Israel phủ nhận cáo buộc tra tấn.
Trong khi đó, trong một báo cáo công bố hôm thứ Tư, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói cánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn Qassam và ít nhất bốn nhóm vũ trang Palestine khác “đã phạm nhiều tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người đối với dân thường trong vụ tấn công ngày 7/1/2023 ở miền nam Israel”.
Theo kết quả điều tra, những hành vi này bao gồm “các cuộc tấn công có chủ ý và bừa bãi nhằm vào dân thường và các vật thể dân sự; cố ý giết người bị giam giữ; đối xử tàn ác và vô nhân đạo khác; bạo lực tình dục và dựa trên giới tính; bắt giữ con tin; cắt xẻo và tước đoạt thi thể; sử dụng cơ thể người làm lá chắn; và cướp bóc”.
Đáp lại, Hamas bác bỏ “những lời lẽ dối trá và thành kiến trắng trợn” ngả về phía Israel và yêu cầu Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rút lại báo cáo và xin lỗi.
“Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã sử dụng toàn bộ câu chuyện của Israel và rời xa phương pháp nghiên cứu khoa học cũng như quan điểm pháp lý trung lập, và trở nên giống một tài liệu tuyên truyền của Israel hơn”, Hamas nói trong một tuyên bố.