Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng Hamas và Fatah của Palestine đã ký một tuyên bố tại Bắc Kinh về việc chấm dứt rạn nứt kéo dài nhiều năm.
Đài truyền hình nhà nước CCTV không cung cấp thêm thông tin chi tiết về những gì hai bên đã đồng thuận hôm 23/7.
Nhiều vòng đàm phán trước đây nhằm đoàn kết các bên đã thất bại, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các cuộc đàm phán được Trung Quốc hậu thuẫn có thực sự dẫn đến một giải pháp hay không.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Israel và Hamas đang cân nhắc một đề xuất ngừng bắn được quốc tế hậu thuẫn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 9 tháng ở Gaza và giải thoát hàng chục con tin Israel bị Hamas bắt giữ.
Nhưng ngay cả sau khi thỏa thuận được ký kết, tầm nhìn về một Gaza thời hậu chiến vẫn còn chưa rõ ràng, nhất là về việc ai sẽ quản trị vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá này.
Israel kịch liệt phản đối bất kỳ vai trò nào của Hamas trong việc quản lý Gaza sau chiến tranh. Nước này cũng bác bỏ lời kêu gọi từ Hoa Kỳ về việc Chính quyền Palestine mà Fatah thống trị sẽ điều hành Gaza sau khi giao tranh kết thúc.
Kể từ khi cuộc chiến hiện tại nổ ra ở Gaza gần 10 tháng trước, các quan chức Hamas đã nói rằng phe này không muốn quay lại cai trị Gaza như trước khi xảy ra xung đột và nhóm này đã kêu gọi thành lập một chính phủ gồm các nhà kỹ trị được thống nhất bởi các phe phái khác nhau của người Palestine. Những phe phái này sẽ chuẩn bị cách thức tiến hành các cuộc bầu cử ở cả Gaza và Bờ Tây, với mục đích thành lập một chính phủ thống nhất.
Nhưng cả Israel và Nhà nước Palestine đều có sự nghi ngờ sâu sắc về ý định của Hamas.
Bộ trưởng Ngoại giao Israel, Israel Katz, đã nhanh chóng bác bỏ thỏa thuận hôm 23/7, tuyên bố rằng sẽ không có sự quản trị chung nào giữa Hamas và Fatah ở Gaza “vì sự cai trị của Hamas sẽ bị nghiền nát”.
Hai nhóm đối địch của Palestine này, cùng với 12 phe phái chính trị khác, đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi kết thúc các cuộc đàm phán bắt đầu từ ngày 21/7, theo thông tin từ mạng truyền hình Trung Quốc CGTN đăng tải trên nền tảng mạng xã hội Weibo.
Thỏa thuận này cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngoại giao Trung Đông, với thành công trong việc khôi phục quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran.
Một tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc đàm phán gần đây nhất ở Bắc Kinh không đưa ra thông tin chi tiết về cách thức và thời điểm thành lập chính phủ mà chỉ nói rằng việc này sẽ được thực hiện “theo thỏa thuận giữa các phe phái”. Theo tuyên bố chung, hai nhóm cam kết thành lập một nhà nước Palestine trên vùng đất mà Israel chiếm được trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967.
Fatah và Hamas đã là đối thủ của nhau kể từ khi Hamas đánh đuổi các lực lượng trung thành với Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Gaza vào năm 2007, chiếm lấy vùng đất ven biển nghèo khó này. Chính quyền Palestine do Fatah thống trị, với người đứng đầu là Tổng thống Abbas, quản lý các phần của Bờ Tây bị chiếm đóng. Công chúng Palestine coi tổ chức này là tham nhũng, không kết nối và là ‘nhà thầu phụ’ cho Israel vì sự phối hợp an ninh chung của họ.
Nhóm Thánh chiến Hồi giáo của Palestine, một nhóm phiến quân nhỏ hơn có liên minh với Hamas, hôm 23/7 đưa ra một tuyên bố sau cuộc đàm phán, nói rằng họ vẫn “bác bỏ bất kỳ công thức nào bao gồm việc công nhận Israel một cách rõ ràng hay ngầm định” và rằng họ đã “yêu cầu Tổ chức Giải phóng Palestine rút lại việc công nhận Israel.”