Các quan chức tình báo hàng đầu Hoa Kỳ cho biết hôm 29/7 rằng Điện Kremlin đang lợi dụng người Mỹ không để ý và các công ty quan hệ công chúng ở Nga để truyền bá thông tin sai lệch về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đồng thời nêu chi tiết về những nỗ lực mới nhất của các đối thủ của Mỹ nhằm định hình dư luận trước cuộc bầu cử năm 2024.
Lời cảnh báo được đưa ra sau vài tuần đầy biến động trong nền chính trị Hoa Kỳ, buộc Nga, Iran và Trung Quốc phải sửa đổi một số chi tiết trong sách lược tuyên truyền của họ. Các quan chức tình báo cho biết, điều không thay đổi là quyết tâm của các quốc gia này nhằm gieo mầm những tuyên bố sai và mang tính kích động về nền dân chủ Mỹ trên Internet nhằm làm suy yếu niềm tin vào cuộc bầu cử.
“Công chúng Mỹ nên biết rằng nội dung họ đọc trên mạng – đặc biệt là trên mạng xã hội – có thể là nội dung tuyên truyền của nước ngoài, ngay cả khi nội dung đó có vẻ đến từ những người đồng hương Mỹ hoặc có nguồn gốc từ Hoa Kỳ”, theo một quan chức của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, người đã trao đổi với các phóng viên với điều kiện giấu tên theo các quy tắc do văn phòng giám đốc đặt ra.
Theo các quan chức, Nga tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất khi nói đến thông tin sai lệch về bầu cử, trong khi có những dấu hiệu cho thấy Iran đang mở rộng nỗ lực và Trung Quốc đang tiến hành thận trọng liên quan đến bầu cử năm 2024.
Các nhóm có liên hệ với Điện Kremlin đang tăng cường thuê các công ty tiếp thị và truyền thông ở Nga để thực hiện việc tạo ra tuyên truyền kỹ thuật số đồng thời che giấu dấu vết của họ, theo các quan chức cho biết trong cuộc trao đổi với các phóng viên.
Hai công ty như vậy là đối tượng của lệnh trừng phạt mới của Mỹ công bố vào tháng 3. Nhà chức trách cho biết hai công ty Nga đã tạo ra các trang web và trang mạng xã hội giả mạo để truyền bá thông tin sai lệch của Điện Kremlin.
Thông tin sai lệch có thể tập trung vào các ứng cử viên hoặc cuộc bỏ phiếu, hoặc vào các vấn đề vốn gây tranh luận ở Hoa Kỳ như nhập cư, tội phạm hoặc chiến tranh ở Gaza.
Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là khiến người Mỹ truyền bá thông tin sai lệch của Nga mà không đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó. Các quan chức cho biết, mọi người có xu hướng tin và đăng lại những thông tin mà họ tin là đến từ nguồn trong nước. Các trang web giả mạo được thiết kế để bắt chước các hãng tin của Hoa Kỳ và trang mạng xã hội do AI tạo ra chỉ là hai trong số các phương pháp.
Trong một số trường hợp, người Mỹ, các công ty công nghệ và truyền thông Mỹ đã sẵn lòng khuếch đại và lặp lại các thông điệp của Điện Kremlin.
Quan chức này, người đã nói với các phóng viên cùng với sự hiện diện của các quan chức của FBI và Bộ An ninh Nội địa, cho biết: “Các tác nhân gây ảnh hưởng nước ngoài đang ngày càng giỏi hơn trong việc che giấu dấu vết và khiến người Mỹ làm điều đó”.
Thượng nghị sĩ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, cho biết vào tháng trước rằng ông lo ngại Mỹ có thể dễ bị tổn thương hơn trước những thông tin sai lệch từ nước ngoài trong năm nay so với trước cuộc bầu cử năm 2020. Hôm 29/7, ông cho biết cảnh báo từ các quan chức tình báo cho thấy cuộc bầu cử ở Mỹ “đang nằm trong tầm ngắm của những kẻ xấu trên toàn cầu”.
Nga và các nước khác cũng nhanh chóng xoay trục khai thác một số diễn biến gần đây trong cuộc đua tổng thống, trong đó có vụ mưu sát cựu Tổng thống Donald Trump cũng như quyết định rút lui khỏi cuộc đua của Tổng thống Joe Biden để ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris.
Ví dụ, sau vụ mưu sát ông Trump, các cơ quan tung thông tin sai lệch của Nga đã nhanh chóng khuếch đại các tuyên bố rằng luận điệu của đảng Dân chủ đã dẫn đến vụ nổ súng, hoặc thậm chí là các thuyết âm mưu vô căn cứ cho rằng ông Biden hoặc chính phủ Ukraine đã dàn dựng vụ này.
Các quan chức tình báo trước đây đã xác định rằng tuyên truyền của Nga dường như được thực hiện để hỗ trợ ông Trump và các quan chức hôm 29/7 cho biết rằng họ không thay đổi đánh giá đó.
Điện Kremlin hôm 30/7 bác bỏ những khẳng định mà họ cho là vô lý của tình báo Mỹ rằng Nga đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống và nói rằng các điệp viên Mỹ đang có ý định dán cho Nga mác kẻ thù.
“Đối với những cáo buộc này, chúng vô lý và chúng tôi cực lực bác bỏ chúng”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói khi được hỏi về các báo cáo từ Washington.
“Sẽ có rất nhiều tuyên bố như vậy khi cuộc bầu cử gần kề ở Hoa Kỳ bởi vì Nga và cá nhân người đứng đầu nhà nước Nga về cơ bản là những nhân tố quan trọng mà cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều khai thác trong cuộc đấu tranh chính trị của họ, đặc biệt là trong chiến dịch tranh cử”.
Tổng thống Vladimir Putin vẫn chưa bình luận công khai về việc ông Joe Biden rút lui khỏi cuộc tranh cử.
Trước đây, ông Putin từng gợi ý rằng, đối với Nga, ông Biden thích hợp hơn Donald Trump, mặc dù không rõ ông đang nghiêm túc hay mỉa mai.
Điện Kremlin tỏ ra thận trọng với bà Kamala Harris, nói rằng phó tổng thống không có đóng góp gì đáng kể cho mối quan hệ với Moscow ngoài một số lời lẽ không thân thiện.
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Tạ Phong, cho biết hôm 29/7 rằng chính phủ của ông không có ý định can thiệp vào chính trường Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Iran có lập trường hung hăng hơn. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines cho biết đầu tháng này rằng chính phủ Iran đã ngấm ngầm ủng hộ các cuộc biểu tình của Hoa Kỳ về cuộc chiến của Israel chống lại Hamas ở Gaza. Các quan chức cho biết Iran phản đối các ứng cử viên có khả năng làm gia tăng căng thẳng với Tehran.