Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 14/8 đã bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin vì vi phạm đạo đức "một cách trắng trợn" khi bổ nhiệm một bộ trưởng từng ngồi tù, làm dấy lên mối lo ngại về biến động chính trị và sự thay đổi trong liên minh cầm quyền.
Ông trùm bất động sản Srettha trở thành thủ tướng thứ tư của Thái Lan bị bãi nhiệm trong vòng 16 năm qua, theo phán quyết của cùng một tòa án sau khi các thẩm phán ra phán quyết ủng hộ việc bãi nhiệm ông với tỷ lệ 5-4 vì không thực hiện nghĩa vụ một cách liêm chính.
Sự ra đi của ông Srettha sau chưa đầy một năm nắm quyền đồng nghĩa với việc quốc hội phải nhóm họp để chọn một thủ tướng mới, gây ra nguy cơ bất ổn hơn ở một đất nước đã bị tác động suốt hai thập kỷ bởi các cuộc đảo chính và phán quyết của tòa án khiến nhiều chính phủ và đảng phái chính trị bị lật đổ.
“Tòa án đã phán quyết với tỷ lệ 5-4 rằng bị cáo bị chấm dứt chức vụ thủ tướng do thiếu trung thực”, các thẩm phán nói, đồng thời cho biết thêm rằng hành vi của ông Srettha “vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn đạo đức”.
Phán quyết này nhấn mạnh vai trò trung tâm của cơ quan tư pháp trong cuộc khủng hoảng không ngừng nghỉ ở Thái Lan. Chính tòa án này vào tuần trước đã giải tán Đảng Tiến lên (Move Forward) chống chính quyền sau khi ra phán quyết rằng chiến dịch cải cách luật chống xúc phạm hoàng gia có nguy cơ làm suy yếu chế độ quân chủ lập hiến.
Các nhà lập pháp còn lại của Đảng Tiến lên đã tập hợp lại vào ngày 9/8 dưới danh nghĩa một đảng mới.
Chánh văn phòng của ông Srettha, Prommin Lertsuridej, một đảng viên kỳ cựu của Đảng Pheu Thai, nói với Reuters rằng Quốc hội sẽ nhóm họp vào ngày 16/8 để bỏ phiếu bầu ra thủ tướng mới, nhưng không cho biết chi tiết.
Phó thủ tướng Phumtham Wechayachai dự kiến sẽ tạm thời đảm nhiệm chức vụ thủ tướng.
Quyết định trên của tòa án được đưa ra vào thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế mà ông Srettha đã phải chật vật để thúc đẩy trong bối cảnh xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng yếu, nợ hộ gia đình cao ngất ngưởng và hơn một triệu doanh nghiệp nhỏ không thể tiếp cận các khoản vay.
Đảng Pheu Thai của ông Srettha và những người tiền nhiệm đã gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của tình hình hỗn loạn ở Thái Lan, với hai chính phủ bị lật đổ trong cuộc đảo chính kéo dài giữa những người sáng lập đảng, gia đình tỷ phú Shinawatra, và các đối thủ của họ trong giới bảo thủ và quân đội bảo hoàng.
"Tôi rất buồn khi phải rời nhiệm sở với tư cách là một thủ tướng bị phát hiện là thiếu đạo đức", ông Srettha nói với các phóng viên tại Tòa nhà Chính phủ, đồng thời cho biết rằng có khả năng chính phủ mới có thể thay đổi các chính sách của ông.
"Tôi đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chính trực và trung thực," ông nói.
Phó thủ tướng Phumtham Wechayachai dự kiến sẽ đảm nhiệm chức thủ tướng lâm thời.
Ông Srettha đã bổ nhiệm cựu luật sư Shinawatra Pichit Chuenban, người đã bị giam giữ một thời gian ngắn vì tội khinh thường tòa án vào năm 2008 vì cáo buộc tìm cách hối lộ nhân viên tòa án. Ông Srettha đã luôn công khai về việc bổ nhiệm này. Cáo buộc hối lộ đối với ông Pichit chưa bao giờ được chứng minh nhưng ông đã từ chức vào tháng 5.
Theo một số chuyên gia chính trị, có khả năng đảng Pheu Thai vẫn có đủ ảnh hưởng để lãnh đạo chính quyền tiếp theo, sau một thời gian thương lượng và không chắc chắn về việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm.
Thủ tướng tiếp theo sẽ cần phải được các đảng của họ đề cử như một ứng cử viên thủ tướng trước cuộc bầu cử năm 2023. Con gái 37 tuổi của cựu Thủ tướng Thaksin Sinawatra và là lãnh đạo đảng Paetongtarn Shinawatra nằm trong số các lựa chọn của Pheu Thai.
Nếu thành công, bà sẽ là thủ tướng Shinawatra thứ ba của Thái Lan sau cha bà, ông Thaksin, và dì của bà, Yingluck Shinawatra.