Trợ lý Điện Kremlin cáo buộc phương Tây giúp Ukraine tấn công Nga

Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev.

Một trợ lý có ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu nói rằng phương Tây và liên minh NATO do Hoa Kỳ đứng đầu đã giúp Ukraine lên kế hoạch tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk của Nga, điều mà Washington đã phủ nhận.

Cuộc xâm lược chớp nhoáng, lớn nhất vào Nga của một lực lượng nước ngoài kể từ Thế chiến thứ hai, đã diễn ra vào ngày 6/8 khi hàng nghìn quân Ukraine vượt qua biên giới phía tây của Nga gây ra sự bối rối lớn đối với quân đội của ông Putin.

Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây, vốn mong muốn tránh xung đột quân sự trực tiếp với Nga, nói Ukraine đã không thông báo trước và Washington không tham gia, mặc dù vũ khí do Anh và Hoa Kỳ cung cấp được cho là đã được sử dụng trên đất Nga.

Nikolai Patrushev, một trợ lý kỳ cựu có nhiều ảnh hưởng của điện Kremlin, bác bỏ khẳng định của phương Tây trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Izvestia.

“Chiến dịch ở khu vực Kursk cũng được lên kế hoạch với sự tham gia của NATO và các cơ quan đặc biệt của phương Tây”, ông được trích lời nói, nhưng không đưa ra bằng chứng.

“Nếu không có sự tham gia và hỗ trợ trực tiếp của họ, Kyiv sẽ không mạo hiểm tiến vào lãnh thổ Nga”.

Những phát biểu này ngụ ý rằng cuộc đột nhập được thừa nhận đầu tiên của Ukraine vào lãnh thổ có chủ quyền của Nga kể từ khi Moscow đưa quân vào Ukraine vào năm 2022 có nguy cơ leo thang cao.

KREMLIN: UKRAINE SẼ TRẢ GIÁ CHO SỰ THAM GIA CỦA MỸ

“Những nỗ lực của Washington đã tạo ra mọi điều kiện tiên quyết để Ukraine mất chủ quyền và mất một phần lãnh thổ của mình”, ông Patrushev nói.

Hôm thứ Năm, Ukraine cho biết họ đã bổ nhiệm một chỉ huy quân sự tại khu vực mà họ kiểm soát, ngay cả khi Nga tăng cường các cuộc tấn công ở phía đông Ukraine.

Trong khi cuộc tấn công của Ukraine đã tiết lộ điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga và thay đổi cách nhìn nhận của công chúng về cuộc xung đột, các quan chức Nga nói “cuộc xâm lược khủng bố” của Ukraine sẽ không thay đổi cục diện của cuộc chiến.

Nga đã tiến công trong hầu hết thời gian trong năm vào khu vực phía đông quan trọng của mặt trận dài 1.000 km (620 dặm) và có ưu thế về quân số rất lớn. Họ kiểm soát 18% lãnh thổ Ukraine.

Sau hơn 10 ngày giao tranh, Ukraine nắm giữ ít nhất 450 km2 (175 dặm vuông) lãnh thổ, tức là chưa đến 0,003% nước Nga. Nhưng đối với ông Putin, cuộc xâm lược này đã vượt qua một lằn ranh đỏ khác.

Ông nói hôm thứ Hai rằng Nga sẽ có “phản ứng thích đáng” ngoài việc đẩy lùi các lực lượng Ukraine.

Một nguồn tin của Nga nói với Reuters rằng cuộc xâm lược có thể khuyến khích những người theo đường lối cứng rắn ở Moscow ủng hộ một cuộc chiến tranh lớn hơn, nhưng lựa chọn của ông Putin có thể không dễ dàng.

Ông đã cố gắng mô tả cuộc chiến lớn nhất của châu Âu trong bảy thập kỷ qua vừa là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, không cần thiết phải làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày của người Nga và vừa là một cuộc chiến lịch sử đối với phương Tây, bị cáo buộc là coi thường lợi ích của Moscow và tìm cách chia cắt nước Nga.

NỖ LỰC TRÁNH XUNG ĐỘT GIỮA NATO VÀ NGA

Hoa Kỳ bác bỏ những cáo buộc như vậy nhưng nói rằng họ không thể để Nga chiếm một phần đất của một nước láng giềng có chủ quyền. Các quan chức tại Washington nói cho tới nay, Mỹ coi cuộc xâm lược bất ngờ này là một động thái tự vệ, biện minh cho việc sử dụng vũ khí của Mỹ.

Nhưng họ cũng bày tỏ lo ngại về những biến chuyển khi quân đội Ukraine tiến sâu hơn vào lãnh thổ của đối phương.

Một quan chức Hoa Kỳ giấu tên nói rằng nếu Ukraine bắt đầu chiếm những ngôi làng của Nga và các mục tiêu phi quân sự khác bằng vũ khí và phương tiện của Hoa Kỳ, thì điều đó có thể được coi là đi quá giới hạn mà Washington đã đặt ra, chính xác là để tránh bất kỳ nhận thức nào về một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga.

Anh hôm thứ Năm nói rằng vũ khí mà họ đã cung cấp cho Ukraine có thể được sử dụng bên trong nước Nga để giúp cho Kyiv tự vệ, và một nguồn tin của Anh cho biết xe tăng Challenger 2 của Anh được cho là đã được sử dụng trên lãnh thổ Nga.

Bộ quốc phòng Nga đã công bố đoạn phim mà họ cho là cho thấy một máy bay không người lái của Nga phá hủy một xe chiến đấu bọc thép Stryker do Hoa Kỳ sản xuất ở khu vực Kursk.

Riêng bộ trưởng quốc phòng Belarus, nơi Nga sử dụng làm điểm khởi đầu cho cuộc xung đột vào năm 2022, nói có khả năng cao xảy ra hành động khiêu khích có vũ trang từ Ukraine và tình hình tại biên giới chung của họ đang “căng thẳng”.