Những ngày gần đây, rất nhiều người dân Hà Nội đổ đến các siêu thị và các khu chợ tạm từ sáng sớm để tìm mua các loại thực phẩm, rau xanh tích trữ cho gia đình khi hậu quả của cơn bão Yagi đang được cập nhật hàng giờ giữa lúc nhiều vùng nông nghiệp lớn xung quanh thủ đô bị thiệt hại nặng nề. Nhiều người cho biết cảnh quá tải ở các siêu thị với nhiều dãy hàng trống trơn, hay cảnh gần 8h sáng bước chân tới các khu chợ tự phát mà đã không còn gì để mua đã trở nên khá phổ biến.
Sau vài lần đi chợ muộn và không còn gì để mua cho gia đình, hôm nay bà Nguyễn Thanh Hương, một giáo viên về hưu sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, đã đi chợ từ 6h sáng để tìm mua bầu bí, vốn là các loại rau củ có thể tích trữ.
“Nói chung là đắt, cái gì cũng đắt lên rồi. Quả bí nhỏ nhỏ mà cũng 60 nghìn, một quả bí đao đấy. Còn mớ rau muống thì 30 nghìn, thế mà còn không có rau mà mua ý,” bà Hương chia sẻ với VOA và cho biết thêm giá cả như vậy là đã tăng hơn gấp đôi và gần gấp 3 so với thời điểm thông thường.
Bà Hương lo rằng trong những ngày tới tình hình thiếu hụt thực phẩm và rau xanh ở các siêu thị cũng như các khu chợ thực phẩm sẽ trầm trọng hơn và buổi đi chợ sớm lần này hy vọng sẽ giúp gia đình bà cầm cự được khoảng 2 tuần.
“Mấy hôm nữa nếu nước sông Hồng tiếp tục cao thì nhiều vùng sẽ bị cô lập. Ở đây thì mình không bị ngập đâu nhưng những vùng xung quanh bị ngập thì mình cũng khó mà có hàng hoá được. Thứ hai nữa là tình hình như thế này thì ngày càng sẽ khó khăn nên cứ mua để sẵn đấy là an tâm,” bà cho biết.
Cùng chung lo lắng như bà Hương, chị Phạm Thu Hồng, sinh sống tại quận Long Biên, cho biết chị đã tranh thủ mua tích trữ cho gia đình hơn 10kg thịt, cá các loại cùng gần chục kg rau củ quả. Với lượng thực phẩm và rau xanh này, chị Hồng hy vọng gia đình 5 người nhà chị có thể cầm cự được ít nhất nửa tháng.
“Toàn bộ thịt cá là tôi phải cho vào đông đá hết, cái nào ăn ngay thì mới cho vào ngăn mát. Còn rau thì xác định là đầu tuần ăn rau có lá, còn tới cuối tuần thì ăn rau củ,” chị Hồng chia sẻ.
Anh Phạm Minh Trung, một cư dân sinh sống bên ngoài bờ đê sông Hồng, nơi đã bắt đầu bị ngập nước trong mấy ngày qua, cho biết anh mua dự trữ một số loại đồ ăn đơn giản, đề phòng trường hợp nước tiếp tục dâng, khu vực nhà anh sẽ bị cắt điện, không thể nấu nướng như thông thường được nữa.
“Hôm qua vợ tôi cũng phải đi mua hai thùng mì về. Còn rau xanh thì sang xưởng sản xuất nơi mình làm việc cắt về một ít đủ dùng trong hơn 1 tuần rồi,” anh Trung cho biết.
Nhưng không phải ai cũng nhanh chân mua đủ thực phẩm và rau xanh để tích trữ phòng ngừa tình huống xấu. Anh Phạm Thành Nam, một cư dân tại quận Thanh Xuân, cho biết gia đình anh đang sử dụng số thực phẩm và rau xanh còn lại do gia đình ở quê cho trong kỳ nghỉ lễ 02/9. Anh nói hiện tại giá cả leo thang nhưng không phải có tiền là mua được.
“Bí xanh giờ 130 nghìn/kg. Đắt nhất là rau xanh. Nói chung là vào siêu thị thời điểm này thì các quầy hàng thực phẩm trống trơn hết rồi,” anh Nam tỏ ra lo lắng.
Bà Hương tin rằng một, hai tuần nữa nguồn thực phẩm và rau xanh sẽ lại được cung cấp đầy đủ như bình thường, chỉ cần cầm cự được tới đó là yên tâm.
“Kiểu gì thì cũng có thôi, chứ không đến mức độ không có nhưng chắc là sẽ đắt hơn và sẽ khó khăn hơn một chút. Nhất là ở thủ đô, ở Hà Nội thì người ta kiểu gì cũng phải đảm bảo đầy đủ, chắc chắn sẽ không đến nỗi khó khăn như ở các tỉnh khác,” bà Hương nói.
Báo nhà nước dẫn lời giới hữu trách cho biết thiệt hại về nông nghiệp do bão Yagi tính đến ngày 09/09 bao gồm 124.600 ha lúa và 22.000 ha hoa màu bị ngập úng, hư hại; gần 7.000 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.500 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản bị hư hỏng; gần 200.000 gia cầm bị thiệt hại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương và đơn vị trực thuộc nhanh chóng thực hiện công tác tiêu úng và khoanh vùng những khu vực có nguy cơ úng lụt cao để giảm thiểu thiệt hại cho lúa và hoa màu cũng như các loại gia cầm.
Theo truyền thông trong nước, các siêu thị ở Hà Nội loan báo nguồn hàng từ miền Nam và Lâm Đồng đang bắt đầu được nhập ra để bù đắp sự thiếu hụt về nguồn cung từ các tỉnh xung quanh thủ đô do ảnh hưởng của bão Yagi. Ngoài thay đổi nguồn cung thì các chuỗi bán lẻ cũng làm việc với nhà cung cấp để tăng dự trữ các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, đồ đông lạnh, sữa… tại các kho hàng và siêu thị.