Từ đầu năm đến nay, vé may bay tăng cao khiến chi phí các chuyến du lịch nội địa Việt Nam trở nên đắt đỏ, nhiều gia đình đã bắt đầu chuyển hướng các kỳ nghỉ sang những quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore hay Trung Quốc. Họ cho biết du lịch Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí là Singapore không những tiết kiệm hơn mà chất lượng dịch vụ còn tốt hơn rất nhiều so với chất lượng dịch vụ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thành, một cán bộ về hưu hiện đang sinh sống tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, cho biết vợ chồng ông đang chuẩn bị cho chuyến du lịch ngắm lá vàng tại Trung Quốc vào giữa tháng 10 thay vì đi nghỉ ở một số trung tâm du lịch phía Bắc để hưởng cái mát mẻ dịp cuối thu như thường lệ hàng năm.
“Tiền đi du lịch trong nước giờ giá vé máy bay nội địa đắt lắm. Đi ra Đà Nẵng thôi cũng đã mất 20 triệu/người/tour rồi nên thôi bỏ không đi ra Bắc, ra Hà Nội, Hạ Long hay Huế nữa,” ông Thành cho VOA biết.
Ông Thành nói chuyến đi Trung Quốc trong 1 tuần được ghé nhiều nơi hơn, khám phá nhiều điểm du lịch hơn mà giá thành chỉ tương đương với tour từ Sài Gòn đi Đà Nẵng.
“Tour này là dành cho người già nên thành ra cũng đắt hơn tour thông thường là 25 triệu/người. Được đi 3 nơi là Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến. Nhưng đấy là bao gồm cả tiền tip mỗi ngày 10 đô la/người rồi. Chứ nếu không tính tip thì còn rẻ nữa,” ông cho biết và cho rằng như vậy là quá rẻ.
Ông nói nếu đi tour 3 thành phố lớn là Huế, Đà Nẵng, Hà Nội trong 1 tuần, dù là đi tàu chứ không phải được đi máy bay như tour đi Trung Quốc, thì không dưới từ 35 đến 40 triệu/người.
Anh Đặng Thành Trung, một chủ doanh nghiệp nhỏ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng vừa thực hiện chuyến du lịch hai vợ chồng sang Vân Nam, Trung Quốc, trong 10 ngày bằng đường bộ. Theo anh, đi du lịch Trung Quốc giờ lợi hơn nhiều so với đi du lịch trong nước.
“Sang đấy ăn uống thoải mái lắm mà cả hai vợ chồng mất có 30 triệu,” anh Trung cho biết và khẳng định từ giờ khám phá Trung Quốc sẽ là mục tiêu của gia đình anh trong những kỳ nghỉ dưỡng sắp tới thay vì những chuyến du lịch đắt đỏ trong nước.
“Năm ngoái nhà tôi đi Huế và Đà Nẵng thì tính ra là khoảng 10 triệu/người mà chỉ được có 5-6 ngày thôi.”
Anh Nguyễn Trung Kiên, một nhân viên văn phòng ở quận Đống Đa, cho biết giá thành chỉ là một yếu tố, mà chất lượng dịch vụ tại các trung tâm du lịch, đặc biệt trong những dịp nghỉ lễ, mới là nguyên nhân khiến anh không còn muốn đi du lịch trong nước.
“Bây giờ sợ đi đâu những dịp lễ lắm rồi. Nếu mà có đi vào dịp lễ thì cũng chỉ đi nước ngoài thôi. Đi trong nước vào những dịp lễ mệt lắm. Bao nhiêu lần rồi ăn chực nằm chờ, xong rồi tắc đường, chặt chém nên ngại,” anh Kiên than thở và cho biết trong dịp nghỉ lễ quốc khánh kéo dài 4 ngày vừa rồi, anh và gia đình tranh thủ nghỉ sớm thêm 3 ngày để đi Thái Lan chơi. Chuyến đi theo anh là hoàn hảo.
“Cả chuyến tổng cộng đi tới 4 chặng mà hết có mười mấy triệu, rơi vào khoảng 700 – 800 đô cho vé máy bay thôi.” Theo anh Kiên nếu bay như vậy tại Việt Nam thì chi phí sẽ đội lên khá nhiều mà lại phải chịu cảnh chen chúc, chặt chém, thậm chí là không có cả phòng nghỉ…
Chị Nguyễn Thanh Hoa, một chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại thành phố Nha Trang, cho biết mùa du lịch biển năm nay, khách nội địa từ Hà Nội đã giảm đi rất nhiều do chi phí vé máy bay tăng cao. May mắn là lượng khách từ Tp. Hồ Chí Minh vẫn tương đối ổn định do có những giải pháp khác thay vì phải đi máy bay, nên doanh thu từ cơ sở kinh doanh của chị vẫn tương đối đáp ứng nhu cầu hoạt động.
“Từ Sài Gòn giờ có những tuyến đường đi nhanh, từ Sài Gòn ra Nha Trang giờ chỉ có 5 tiếng đồng hồ nên người ta đi đường bộ nhiều. Rồi từ Nha Trang đi Đà Lạt có 3 tiếng nên đi xe rất là ổn. Mà xe giường nằm giờ cũng thoải mái nên người ta cũng đi nhiều. Các tuyến đường người ta làm giờ cảm giác cũng an toàn hơn,” chị Hoa cho biết thêm.
Báo chí trong nước dẫn tin từ Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cho biết trong thời gian tới đây, chiến lược của ngành du lịch Việt Nam là đẩy mạnh marketing để định vị Việt Nam là điểm đến hàng đầu trong khu vực. Các nhóm sản phẩm du lịch được tập trung tiếp thị bao gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các loại hình mới như du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch làm đẹp và du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Những đòi hỏi về việc nâng cao chất lượng dịch vụ và việc đảm bảo bình ổn giá thành của các tour du lịch cũng như tại các điểm đến để tăng tính cạnh tranh so với các thị trường du lịch liền kề như Trung Quốc và Thái Lan chưa được nhắc tới.
Cục Hàng không từ cuối tháng 6 đã yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam xây dựng giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá vé bay nội địa phù hợp với thực tiễn thị trường, nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch hay lễ hội lớn, theo truyền thông nhà nước. Các hãng hàng không cũng được yêu cầu phải bổ sung lực lượng vận tải và tăng tải cung ứng trên các đường bay quốc tế, nội địa. Tuy nhiên, theo những người mà VOA phỏng vấn thì giá vé máy bay ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có được mức giảm đáng kể.
Số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam được báo nhà nước trích dẫn cho biết nửa đầu năm nay, Việt Nam đã đón 8,8 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 66 triệu lượt khách nội địa, tức tăng 2,5 triệu lượt khách so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, mục tiêu phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa trong năm nay của ngành du lịch Việt Nam là khó đạt được, bởi đến cuối tháng 6 hàng năm, khách du lịch nội địa thường giảm dần khi mùa cao điểm du lịch biển, hè đi qua.