Nga phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Hoa Kỳ và đã nhiều lần gửi cảnh báo tới Washington về cuộc khủng hoảng trong quan hệ, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov được dẫn lời nói hôm thứ Ba (1/10).
Cuộc chiến tranh kéo dài 2 năm rưỡi ở Ukraine đã gây ra cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, được coi là sự kiện mà hai siêu cường Chiến tranh Lạnh tiến gần nhất tới cuộc chiến hạt nhân có chủ đích.
Cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn mà các quan chức Nga cho là nguy hiểm nhất cho đến nay. Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã thúc giục các đồng minh của Kyiv để Ukraine bắn tên lửa tầm xa của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga để hạn chế khả năng tấn công của Moscow.
Ông Ryabkov, người giám sát kiểm soát vũ khí và quan hệ với Washington, cho biết rằng Moscow không hề ảo tưởng về mối quan hệ này, xét đến "sự đồng thuận lưỡng đảng nhằm chống Nga" tại Hoa Kỳ.
"Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với quốc gia này. Xét về mọi khía cạnh, chúng ta đã sẵn sàng cho điều này", hãng thông tấn nhà nước RIA trích lời ông Ryabkov nói.
"Chúng ta đang gửi mọi tín hiệu cảnh báo đến đối thủ để họ không đánh giá thấp quyết tâm của chúng ta", ông Ryabkov nói.
Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo phương Tây vào tuần trước rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng tên lửa thông thường và rằng Moscow sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga, mà được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ, là một cuộc tấn công chung.