Chẳng bao lâu nữa, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu và một chiến dịch được đánh dấu bởi âm mưu ám sát, sự thù địch và nỗi lo lắng sẽ đi đến hồi kết. Nhưng đối với các đối thủ của Mỹ, công việc can thiệp vào nền dân chủ Mỹ có thể đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất.
Mặc dù rất nhiều sự chú ý đã được đổ dồn vào những nỗ lực lan truyền thông tin sai lệch trong những tháng trước cuộc bầu cử ngày 5/11 tới đây, những ngày giờ sau khi việc bỏ phiếu kết thúc có thể mang lại cho các đối thủ nước ngoài như Nga, Iran và Trung Quốc, hoặc các nhóm cực đoan trong nước, cơ hội tốt nhất để phá rối quyết định của Mỹ.
Đó là khi người dân Mỹ sẽ lên mạng để xem kết quả mới nhất hoặc chia sẻ ý kiến khi các lá phiếu được kiểm đếm. Và đó cũng là lúc một bức ảnh mờ nhạt hoặc một video do AI tạo ra về việc gian lận phiếu bầu có thể gây ra tác động lớn nhất, có khả năng biến sự phẫn nộ trực tuyến thành hành động trong thế giới thực trước khi các cơ quan chức năng có thời gian điều tra sự thật.
Đây là một mối đe dọa được các nhà phân tích tình báo, các quan chức dân cử và các giám đốc điều hành công nghệ nghiêm túc xem xét, họ cho rằng mặc dù đã có sự gia tăng đều đặn của các hoạt động lan truyền thông tin sai lệch và các chiến dịch ảnh hưởng nhưng điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra.
“Không phải là vào cuối đêm bầu cử, đặc biệt nếu xem xét sự sít sao của cuộc bầu cử này, mà mọi chuyện sẽ kết thúc,” Thượng nghị sĩ Mark Warner, một đảng viên Dân chủ bang Virginia, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cảnh báo. “Một trong những mối lo ngại lớn nhất của tôi là mức độ thông tin sai lệch, thông tin gây hiểu lầm từ các đối thủ của chúng ta sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa có thể thực sự nghiêm trọng như bất kỳ điều gì xảy ra trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.”
Các nhà phân tích cảnh báo thẳng thừng rằng một thông tin sai lệch đặc biệt hiệu quả có thể làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của công chúng vào cuộc bầu cử nếu được lan truyền trong những giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa và nếu như nhóm đứng sau chiến dịch biết cách nhắm mục tiêu vào một bang dao động quan trọng hoặc một khối cử tri cụ thể.
Các kịch bản có thể xảy ra bao gồm các đoạn video ghi hình nhân viên bầu cử bị cắt xén để phục vụ cho thông điệp có gian lận bầu cử, một video deepfake về ứng viên tổng thống thừa nhận gian lận hoặc cuộc gọi tự động nhắm vào những người không nói tiếng Anh để cảnh báo họ không nên đi bầu.
Khi một tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm lan truyền vài tuần trước bầu cử, có thời gian để các quan chức bầu cử địa phương, cơ quan thực thi pháp luật hoặc các tổ chức tin tức thu thập sự thật, chỉnh sửa những thông tin sai lệch và truyền tải thông tin đúng. Nhưng nếu ai đó phát tán một video hoặc bức ảnh sai lệch được thiết kế để khiến một phần lớn cử tri mất niềm tin vào kết quả vào ngày sau bầu cử thì khó, hoặc thậm chí là không thể, phơi bày sự thật kịp thời.
Điều này đã xảy ra cách đây 4 năm, khi một loạt những lời nói dối về kết quả của cuộc bầu cử 2020 đã thúc đẩy cuộc tấn công vào Điện Capitol Hoa Kỳ ngày 6/1/2021. Thường thì những người bị bắt vì bị cáo buộc tìm cách can thiệp vào quá trình chuyển giao quyền lực hay viện dẫn các câu chuyện sai lệch về gian lận bầu cử, vốn đã lan truyền ngay sau Ngày Bầu cử.
Một cuộc bầu cử đặc biệt sít sao được quyết định ở một vài bang dao động có thể làm gia tăng nguy cơ này hơn nữa, khiến cho những tin đồn về các vali chứa phiếu bầu bất hợp pháp ở Georgia, ví dụ như hồi năm 2020, có thể tạo ra tác động lớn đến nhận thức của công chúng.
Chiến thắng của Tổng thống Joe Biden trước đối thủ Donald Trump hồi năm 2020 không đặc biệt sít sao, và không có sự bất thường nào đủ lớn để ảnh hưởng đến kết quả, nhưng những tuyên bố sai lệch về gian lận bầu cử vẫn được nhiều ủng hộ viên của ông Trump tin tưởng.
Khoảng thời gian tương đối dài trước Ngày Nhậm Chức 20/1 cho phép những người muốn gieo rắc nghi ngờ về kết quả bầu cử có đủ thời gian để làm như vậy, cho dù họ là các cơ quan tuyên truyền ở Moscow hay các nhóm cực đoan tại Mỹ.
Ông Ryan LaSalle, CEO của công ty an ninh mạng Nisos, cho biết ông sẽ không cảm thấy nhẹ nhõm cho đến khi tân tổng thống được tuyên thệ nhậm chức mà không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào.
“Thời điểm cần tập trung nhất là ngay bây giờ cho tới khi xảy ra quá trình chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa,” ông LaSalle nói. “Đó là lúc các hoạt động thực sự có thể xảy ra, và đó là lúc chúng có khả năng tác động lớn nhất đến quá trình chuyển giao ôn hòa đó.”
Một rủi ro khác, theo các quan chức và các công ty công nghệ, là Nga hoặc một đối thủ khác có thể cố gắng xâm nhập vào hệ thống bầu cử của địa phương hoặc tiểu bang, không nhất thiết để thay đổi phiếu bầu, mà là để khiến cho cử tri nghi ngờ về tính bảo mật của hệ thống.
“Thời điểm nguy hiểm nhất, theo tôi, là 48 giờ trước cuộc bầu cử,” Chủ tịch của công ty Microsoft, Brad Smith, nói với các nhà lập pháp trong Ủy ban Tình báo Thượng viện tháng trước. Phiên điều trần tập trung vào những nỗ lực của các công ty công nghệ Mỹ để bảo vệ cuộc bầu cử khỏi thông tin sai lệch từ nước ngoài và các cuộc tấn công mạng.
Thông tin sai lệch về bầu cử lần đầu tiên xuất hiện như một mối đe dọa mạnh mẽ vào năm 2016, khi Nga xâm nhập vào chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton bên đảng Dân chủ và tạo ra các mạng lưới tài khoản mạng xã hội giả để phát tán thông tin sai lệch.
Mối đe dọa càng gia tăng khi mạng xã hội trở thành nguồn thông tin và tin tức hàng đầu cho nhiều cử tri. Nội dung được thiết kế để chia rẽ người Mỹ và khiến họ nghi ngờ vào các định chế giờ đây không chỉ liên quan đến mùa bầu cử. Các quan chức tình báo cho biết Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác từ nay sẽ chỉ mở rộng việc sử dụng thông tin sai lệch và tuyên truyền trực tuyến, một chiến lược dài hạn vượt ra phạm vi bất kỳ cuộc bầu cử hay ứng viên nào.
Bất chấp những thách thức, các quan chức an ninh bầu cử nhanh chóng trấn an người dân Mỹ rằng hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ không thể bị tấn công để thay đổi kết quả của cuộc bỏ phiếu. Mặc dù các hoạt động ảnh hưởng có thể tìm cách gieo rắc sự nghi ngờ về kết quả, nhưng những cải tiến đối với hệ thống đã làm cho nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
“Các đối tượng ác ý, ngay cả khi họ cố gắng, cũng không thể có tác động lớn đến mức có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử,” giám đốc Jen Easterly của Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng Hoa Kỳ, nói với hãng tin AP.