Nhóm nhân quyền: Nếu Thái Lan dẫn độ Y Quynh Bdap, sẽ bị ‘hoen ố thanh danh’ tại LHQ

Bà Nadthasiri Bergman, luật sư của Y Quynh Bdap, thứ ba từ trái, và các nhà hoạt động nhân quyền tại cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan, ngày 9/10/2024. Ảnh Facebook ALTSEAN-Burma.

Hôm 9/10, trước khi Thái Lan được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2025-2027, giới hoạt động nhân quyền kêu gọi chính quyền nước này không dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam theo yêu cầu của Hà Nội, còn ngược lại sẽ đánh mất lòng tin tại diễn đàn thế giới.

Vài giờ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York, các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư bào chữa cho ông Y Quynh Bdap tổ chức họp báo để thảo luận về phán quyết hồi cuối tháng 9 của Tòa án Hình sự Bangkok về việc dẫn độ người tị nạn Việt Nam Y Quynh Bdap đã được Cao ủy LHQ về Người tịn nạn (UNHCR) công nhận.

Ngoài ra, buổi họp báo cũng phân tích ý nghĩa của phán quyết nói trên đối với cam kết của chính phủ Thái Lan trong việc duy trì nghĩa vụ bảo vệ người tị nạn và nhân quyền khi nước này tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Tại cuộc họp báo sáng 9/10 được trang Facebook ALTSEAN-Burma tường thuật trực tiếp, bà Nadthasiri Bergman, luật sư bào chữa cho ông Bdap, nhắc lại rằng ông bị cảnh sát Thái Lan bắt hồi tháng 6 dựa trên tội danh “khủng bố” mà chính quyền Việt Nam xác định trước đó.

“Lập luận của chúng tôi trong vụ dẫn độ là ông ấy không thể bị dẫn độ vì ông ấy là người tị nạn được công nhận và ông đang trải qua quá trình tái định cư”, luật sư Bergman nêu rõ.

“Một ngày trước khi ông bị bắt, UNHCR đã đề nghị ông đến phỏng vấn [để xem] liệu ông có liên quan gì đến vụ việc ở Đắk Lắk hay không. Họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ông có liên quan và quy chế tị nạn của ông chưa bao giờ bị thu hồi nên ông vẫn được công nhận là người tị nạn”, vẫn lời nữ luật sư Thái Lan.

Your browser doesn’t support HTML5

Thêm các nhóm nhân quyền kêu gọi phóng thích Y Quynh Bdap

Ông Bdap đang bị giam tại trại tạm giam ở Bangkok để chờ kháng cáo việc bị dẫn độ về Việt Nam, nơi ông phải đối mặt với bản án 10 năm tù về tội “khủng bố”.

Hôm 30/9, Toà án Hình sự Bangkok ra phán quyết rằng nhà hoạt động người dân tộc Ê Đê và cũng là người sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý có thể bị trục xuất về Việt Nam, theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam.

Ông bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ hồi tháng 6/2024 để xem xét dẫn độ ông cũng như cáo buộc ông lưu trú quá hạn.

Kêu gọi Thái Lan không dẫn độ

Ngoài luật sư Bergman, các diễn giả khác tại cuộc họp báo gồm các đại diện của Qũy Xuyên Văn hóa Thái Lan (CrCF Thailand), tổ chức Quyền Hòa bình (PRF), và tổ chức tư vấn Nhân quyền và Lao động Châu Á (AHRLA).

Ông Phil Robertson, giám đốc nhóm tư vấn Nhân quyền và Lao động Châu Á (AHRLA) có trụ sở tại Bangkok, cho VOA biết qua tin nhắn: “Chính phủ Việt Nam đang gây áp lực tối đa lên Thái Lan để dẫn độ ông Y Quynh Bdap về nước, nhưng Thái Lan cần phải kiên phản đối yêu cầu đó và duy trì các nguyên tắc bảo vệ người tị nạn”.

Ông Robertson kêu gọi Thái Lan nhận thức rằng nếu họ gửi trả lại một người tị nạn UNHCR được công nhận về Việt Nam, điều đó sẽ làm hoen ố nghiêm trọng danh tiếng nhân quyền của họ và gây ra phản ứng dữ dội của quốc tế chỉ trích Bangkok, cho dù Thái Lan được bầu vào Hội đồng Nhân quyền.

Trao đổi với VOA sau cuộc họp báo, ông Robertson đưa ra khuyến nghị: “Hoa Kỳ cũng như EU và các nước thành viên cần khẩn trương gây sức ép để Thái Lan từ chối trả Y Quynh Bdap về nước mà thay vào đó cho phép ông này đến và tái định cư ở một nước thứ ba, nơi ông có thể được bảo vệ khỏi các bàn tay bao vây, đàn áp xuyên quốc gia của Việt Nam”.


Nhiều nước quan ngại

Nhiều chính phủ, thông qua đại sứ quán của họ ở Bangkok, đã bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của Y Quynh Bdap, đồng thời kêu gọi chính phủ Thái Lan cho phép ông tái định cư ở nước thứ ba, nhưng Việt Nam đã cử quan chức từ Hà Nội qua Bangkok để “gây áp lực buộc Thái Lan phải trả ông về cho họ”, tổ chức ALTSEAN-Burma, tổ chức nhân quyền ở Bangkok, viết trong bài đăng hôm 9/10.

Tổ chức này cho rằng hành động của Việt Nam gây ra “một cuộc kéo co ngoại giao và những lo ngại ngày càng tăng về tầm ảnh hưởng của Việt Nam và sự đàn áp xuyên quốc gia”.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của đại diện Đại sứ quán Hà Lan tại Bangkok rằng liệu tòa án ở Việt Nam có đưa ra bằng chứng chứng minh rằng ông Bdap có “tham gia” vụ tấn công “khủng bố” hay không, luật sư Bergman trình bày rằng phía Việt Nam không trưng ra bằng chứng nào khác, ngoài việc có ba người làm chứng tại tòa cáo buộc rằng ông Bdap “tham gia chỉ đạo” từ xa cuộc khủng bố và hai tấm hình, một của chính ông và của nạn nhân.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Thái Lan và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về các phát biểu và lời kêu gọi trên, nhưng chưa được phản hồi.

Truyền thông Việt Nam nói gì?

Báo chí nhà nước gần đây lên tiếng phản bác các lời kêu gọi của quốc tế về việc ngưng dẫn độ ông Bdap, nói rằng những lời kêu gọi đó là hành động “cổ xúy, tán dương đối tượng khủng bố của các thế lực thù địch, phản động”.

Báo Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an Việt Nam hôm 7/10 viết: “Trong bối cảnh an ninh toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp, việc ra sức tô vẽ và đánh bóng cho các đối tượng khủng bố như Y Quynh Bdap không chỉ đi ngược lại lợi ích của Việt Nam mà còn đe dọa an ninh toàn cầu”.

Trang này nói rằng vào năm 2018, ông Y Quynh Bdap vượt biên trái phép sang Thái Lan, rồi cùng với một số đối tượng có tư tưởng “chống phá” Việt Nam thành lập “Nhóm người Thượng vì Công lý”.

Với lời lẽ chỉ trích như thường lệ, trang báo nhà nước của chính quyền cộng sản cho rằng nhóm này là tổ chức “phản động” nhằm tập hợp nhóm người dân tộc thiểu số tại Thái Lan có tư tưởng chống phá nhà nước Việt Nam.

Liên quan đến vụ tấn công khủng bố vào chính quyền ở Đắk Lắk hồi tháng 6/2023, trang CAND dẫn lời khai của một bị cáo tên là Y Ba Bya cho rằng “Y Quynh Bdap chỉ đạo việc chọn những trụ sở cơ quan Nhà nước có ít người để dễ thực hiện việc tấn công, đồng thời bắt phải quay video diễn biến cuộc tấn công khủng bố, phá hoại, giết cán bộ gửi cho Y Quynh Bdap để tuyên truyền cho cộng đồng quốc tế”.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn VOA sau phiên tòa xử vắng mặt hồi tháng 1/2024, ông Bdap bác bỏ các cáo cuộc của chính quyền Việt Nam, cho rằng ông và nhóm nhân quyền của ông chỉ đấu tranh ôn hòa cho quyền của người Thượng ở Tây Nguyên.