Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ‘giải phóng thủ đô’ 10/10/1954 – 10/10/2024 ở trung tâm Hà Nội mang lại cảm xúc lẫn lộn cho cư dân thủ đô. Có người bồi hồi vì quá khứ được tái hiện, đường phố được trang hoàng đầy màu sắc hoài niệm. Có người chỉ trích về cách thức tổ chức gây tắc đường, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt đời sống.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, một giáo viên về hưu sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, cho biết những ngày gần đây bà thường xuyên đi bộ ra Hồ Gươm nhiều hơn vì những hình ảnh thủ đô cách đây 70 năm đã tạo ra một không khí khác biệt so với ngày thường.
“Thì cũng xúc động, vì họ tái hiện được cái hình ảnh ngày xưa, các mô hình ngày xưa từng có ở Hà Nội như tàu điện chẳng hạn nhìn cũng đẹp. Hơn thế thì nhạc lại là nhạc xưa nghe nó cũng hào hùng lắm,” bà Dung cho VOA biết.
Tuy vậy, bà Dung nói đúng ngày tổ chức diễn hành tái hiện hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào trung tâm Hà Nội thì bà đã không thể tới tham dự.
“Người ta cấm đường từ vòng ngoài, người dân bình thường có được vào đâu.”
Bà Phạm Lan Hương, một viên chức về hưu ở khu phố cổ Hà Nội, cho biết bà không quan tâm mấy tới chương trình diễn hành vì biết không thể vào xem nếu không có vé mời. Dù vậy, bà vẫn cảm thấy thích thú khi hình ảnh của Hà Nội cách đây vài thập niên được tái hiện ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm và đây chính là địa điểm chụp ảnh ưa thích của bà trong những ngày qua. Đối với bà thì chuyện đông đúc, tắc đường trong những dịp như thế này ở khu phố cổ là đương nhiên, vì không chỉ người dân thủ đô mà còn có nhiều gia đình ở các tỉnh, thành lân cận tìm về để được hưởng trọn niềm vui trong dịp lễ kỷ niệm đặc biệt này.
“Kỷ niệm 10/10 thì trong 3 ngày người ta diễn hành, quay phim hoành tráng lắm. Vì thế người ta cấm những cái đường xung quanh đấy, nên tắc mất 2 ngày. Nhưng cũng không đến mức độ lắm, chỉ tắc vào những giờ nhất định thôi.”
Anh Nguyễn Hoàng Nam, một nhân viên làm việc trong lĩnh vực môi giới bất động sản sinh sống ở khu phố cổ sát bờ Hồ Hoàn Kiếm, than thở trong suốt hơn 2 tuần kể từ ngày các mô hình cột cờ Hà Nội, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tàu điện… được dựng lên là anh khổ sở trong việc đi lại khi có quá nhiều người kéo tới đây tham quan, chụp ảnh.
“Ôi mấy hôm đấy đường tắc kinh lắm, đường tắc khủng khiếp lắm”, anh Nam than thở và cho biết những con đường xung quanh Hồ Hoàn kiếm luôn trong tình trạng quá tải, tắc nghẽn kéo dài khiến anh và gia đình thực sự mệt mỏi. Hôm diễn ra chương trình diễn hành, anh cũng như những người dân bình thường khác đã không thể vào xem như mong muốn.
“Người ta cấm đường từ vòng ngoài. Hơn chục nghìn con người đổ về khu vực đấy để diễn hành cho các lãnh đạo xem thôi, chứ mình có được vào xem đâu,” anh Nam cho VOA biết và kết luận rằng sau hơn hai tuần kỷ niệm ngày ‘giải phóng thủ đô’ anh và gia đình chỉ nhận lại sự phiền phức và mỏi mệt chứ thực ra chẳng được vui thú chút nào.
Anh Nguyễn Thành Hưng, một công chức làm việc ngay khu vực phố cổ, cho biết suốt hơn hai tuần kể từ khi các mô hình được dựng lên thì việc đi làm của anh bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo anh, người dân Hà Nội quá thiếu chỗ vui chơi, nên khi có các sự kiện như thế này thường ùn ùn đổ về khu vực Hồ Hoàn Kiếm dẫn tới tình trạng quá tải khủng khiếp. Mặc dù cũng muốn cho con tới chụp ảnh, vui chơi nhưng cuối cùng anh cũng phải chịu thua.
“Mặc dù đông, nhưng nó thực tế chỉ là một đám đông thôi, chứ không có hoạt động gì cả. Vì thế tôi đành cho con vào Trang Tien plaza, cho nó vào đấy đi lên đi xuống thang cuốn theo ý thích trẻ con rồi về thôi.”
Anh Hưng nói hiện tại Hà Nội không có đủ không gian để tổ chức những sự kiện lớn quy tụ hàng chục hay hàng trăm nghìn người. Vì vậy, theo lời anh, việc tổ chức những sự kiện kéo dài tới hơn hai tuần như dịp vừa qua thực sự là một thảm hoạ cho những người lao động sinh sống xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
“Khu vực này thì bé tí, đường phố thì ngày càng chật chội. Bởi vì cái loại ô tô giá rẻ nó tràn ngập nên đi đường toàn ô tô, thậm chí là xe máy không có chỗ mà đi hay không có chỗ mà để nữa,” anh Hưng cho biết thêm.
Nhiều người sinh sống quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm cho biết, đầu tuần này, thành phố Hà Nội đã tiến hành tháo dỡ các mô hình cũng như các loại cờ và hình ảnh trang hoàng trên đường phố kỷ niệm ‘70 năm ngày giải phóng thủ đô’ để trả lại nhịp sống thường nhật cho khu vực này.
Ngày ‘giải phóng thủ đô’ năm nay kỷ niệm bảy thập niên ngày diễn ra sự kiện 10/10/1954 khi Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào hai cửa ô Hà Nội, tiếp nhận bàn giao chính quyền, đánh dấu kết thúc Chiến tranh Đông Dương và thi hành Hiệp định Geneve 1954.