Vua Charles của Anh nói Khối thịnh vượng chung nên thừa nhận lịch sử “đau thương” của mình giữa lúc các quốc gia châu Phi và Caribe thúc đẩy kêu gọi bồi thường vì vai trò của Anh trong chế độ nô lệ xuyên Đại Tây Dương.
Đại diện của 56 quốc gia, hầu hết có nguồn gốc từ đế chế Anh, đang tham dự cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia Khối thịnh vượng chung bắt đầu tại Samoa hôm 21/10, với chế độ nô lệ và mối đe dọa của biến đổi khí hậu nổi lên thành những chủ đề chính.
“Tôi hiểu khi lắng nghe mọi người trên khắp Khối thịnh vượng chung rằng những điều đau thương nhất trong quá khứ của chúng ta vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng”, Vua Charles phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh.
“Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu lịch sử của mình để dẫn dắt chúng ta đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong tương lai”.
Yêu cầu về việc các cường quốc thực dân trước đây như Anh phải bồi thường hoặc đền bù cho chế độ nô lệ và di sản của nó ngày nay đã tồn tại từ lâu, nhưng đã lan rộng trên toàn thế giới trong thời gian qua, đặc biệt là trong Cộng đồng Caribe (CARICOM) và Liên minh châu Phi.
Những người phản đối bồi thường cho rằng các quốc gia không nên chịu trách nhiệm về những sai lầm trong lịch sử, trong khi những người ủng hộ cho rằng di sản của chế độ nô lệ đã dẫn đến bất bình đẳng chủng tộc rộng lớn và dai dẳng.
Thủ tướng Anh Keir Starmer đã bác bỏ những lời kêu gọi bồi thường và loại trừ việc xin lỗi về vai trò lịch sử của Anh nhưng cho biết ông sẵn sàng tham gia với các nhà lãnh đạo muốn thảo luận về vấn đề này.
Tờ The Guardian, trích dẫn một nguồn tin từ văn phòng của ông Starmer, đưa tin vào cuối ngày 24/10 rằng thủ tướng đã “mở cánh cửa cho các khoản bồi thường phi tài chính”, chẳng hạn như tái cấu trúc các tổ chức tài chính và xóa nợ.
Văn phòng của ông Starmer đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Có nhiều loại bồi thường khác nhau, từ thanh toán tài chính và xin lỗi đến chuyển giao công nghệ và các chương trình giáo dục. CARICOM có kế hoạch bồi thường của riêng họ.
Bộ trưởng Ngoại giao Bahamas Frederick Mitchell nói với BBC hôm 24/10 rằng bản dự thảo kết luận của hội nghị thượng đỉnh, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 26/10, có các đoạn kêu gọi thảo luận về bồi thường.
Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, ít nhất 12,5 triệu người châu Phi đã bị bắt cóc và bị ép buộc đi bởi hầu hết các tàu và thương lái châu Âu. Sau đó họ bị bán làm nô lệ.
Những người sống sót sau những chuyến đi tàn khốc đã phải làm việc quần quật trên các đồn điền trong điều kiện vô nhân đạo ở châu Mỹ, trong khi những người khác được hưởng lợi từ sức lao động của họ.
"Chúng ta đã chứng minh được rằng khả năng vô song trong việc đánh bại lịch sử đau thương đã đưa chúng ta lại với nhau và cùng nhau ngồi lại như những người bình đẳng trong 75 năm qua", Tổng thư ký Khối thịnh vượng chung Patricia Scotland, một nhà ngoại giao và luật sư người Anh sinh ra ở Dominica, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các quốc gia thành viên cũng dự kiến sẽ ký Tuyên bố về Đại dương của Khối thịnh vượng chung, nhằm mục đích thúc đẩy tài chính để đảm bảo một đại dương lành mạnh và xác định ranh giới hàng hải ngay cả khi các quốc đảo nhỏ sau này trở nên không thể sinh sống được.
Hơn một nửa số thành viên của Khối thịnh vượng chung là các quốc gia nhỏ, nhiều quốc gia trong số đó là những hòn đảo trũng thấp, có nguy cơ bị mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.