Bộ Tài chính Hoa Kỳ mới đưa ra thông cáo xác nhận Việt Nam và các đối tác thương mại lớn của Mỹ không thao túng tiền tệ trong năm tính đến ngày 30/6, trong một báo cáo bán niên cuối cùng của chính quyền Biden trước khi chuyển giao việc kiểm soát các hoạt động ngoại hối cho Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong báo cáo về tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã xem xét và đánh giá các chính sách của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ, chiếm khoảng 78% thương mại hàng hóa và dịch vụ nước ngoài của Hoa Kỳ. Bộ này đưa ra kết luận rằng “không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của mình và đô la Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc giành được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế” trong bốn quý tính đến tháng 6/2024.
Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong “Danh sách giám sát” để kiểm tra ngoại hối chặt chẽ hơn của Mỹ, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Đức, do có 2 tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hòa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ lưu ý rằng thặng dư thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh trong 6 năm qua, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng trong thương mại hàng hóa, dẫn đầu là điện tử và máy móc.
Thặng dư hàng hóa và dịch vụ song phương là 111,7 tỷ USD trong 4 quý tính đến tháng 6 năm nay. Trong cùng kỳ, thặng dư thương mại hàng hóa song phương là 113,3 tỷ USD, cao hơn 7 tỷ đô la so với mức của bốn quý trước.
Việt Nam tiếp tục có thặng dư hàng hóa lớn thứ ba với Hoa Kỳ. Việt Nam có thương mại dịch vụ song phương khiêm tốn với Hoa Kỳ và từ lâu đã thâm hụt thương mại dịch vụ song phương nhỏ. Trong bốn quý tính đến tháng 6/2024, thâm hụt dịch vụ đó là 1,6 tỷ USD.
Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam đạt 5% GDP trong 4 quý tính đến tháng 6/2024. Doanh số bán ngoại hối ròng từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 là 1,5% GDP. Con số này tương đương khoảng 6 tỷ USD. Theo số liệu công khai mới nhất, dự trữ ngoại hối đạt 84 tỷ USD tính đến tháng 5 năm nay.
Trong thông cáo ngày 15/11, Bộ Tài chính Mỹ xác nhận không có đối tác thương mại lớn nào đáp ứng cả ba tiêu chí để cần “phân tích nâng cao” về các hoạt động tiền tệ của họ trong 4 quý kết thúc vào tháng 6/2024. Quá trình phân tích nâng cao này sẽ dẫn đến các cuộc tham vấn chuyên sâu và cuối cùng có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt thương mại.
“Chính quyền Biden phản đối mạnh mẽ các nỗ lực của các đối tác thương mại của Hoa Kỳ nhằm thao túng giá trị tiền tệ một cách giả tạo để giành được lợi thế không công bằng đối với người lao động Mỹ”, Bộ Tài chính Mỹ nói trong báo cáo cuối cùng trước khi Tổng thống đắc cử Trump lên nắm quyền vào tháng 1/2025.
Ông Trump, người thường xuyên phàn nàn rằng đồng đô la mạnh đang làm xói mòn khả năng cạnh tranh thương mại của Hoa Kỳ, đã kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Nhà Trắng với tuyên bố của Bộ Tài chính vào tháng 12/2020 rằng Việt Nam và Thụy Sĩ là những nước thao túng tiền tệ vì các can thiệp thị trường của họ nhằm làm suy yếu giá trị đồng tiền của họ.
Ông Trump cũng chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính khi đó là Steven Mnuchin dán nhãn Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vào tháng 8/2019, một động thái được thực hiện vào thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên đến đỉnh điểm. Bộ Tài chính đã hủy bỏ chỉ định này vào tháng 1/2020 khi các quan chức Trung Quốc đến Washington để ký một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, theo Reuters, trong phần lớn 4 năm qua, các biện pháp can thiệp ngoại hối của các đối tác thương mại Hoa Kỳ đã diễn ra theo hướng ngược lại, nhằm đẩy giá trị đồng tiền của họ lên so với đồng đô la, chủ yếu là để chống lạm phát.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden sẽ kết thúc khi Bộ Tài chính không đưa ra bất kỳ tuyên bố thao túng nào, nhưng thường xuyên nêu lên mối lo ngại về các hoạt động ngoại hối của Trung Quốc trong các báo cáo tiền tệ bán niên của mình.
Your browser doesn’t support HTML5